Ngày nay, khi dân số tăng, nhất là lượng người lao động đổ về các thành phố lớn ngày càng nhiều thì nhu cầu nhà ở cũng càng lớn. Để giải quyết vấn đề thiếu nơi ở, Nhà nước đã có chính sách cho người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội.
Có thể hiểu, nhà ở xã hội là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định của Luật nhà ở.
Tức nhà nước sẽ hỗ trợ cho các dự án nhà ở xã hội, người mua nhà sẽ được hưởng mức giá ưu đãi hơn so với những căn hộ thuộc diện thương mại.
Chính phủ ban hành Nghị định số 100 quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Nghị định quy định chi tiết về điều kiện thu nhập, về nhà ở đối với các trường hợp đủ điều kiện mua nhà ở xã hội. Nghị định 100/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/8/2024.
Theo đó, tại khoản 1 Điều 30 Nghị định 100/2024/NĐ-CP quy định các trường hợp quy định tại các khoản 5, 6 và 8 Điều 76 của Luật Nhà ở, số 27/2023/QH15 thì phải đảm bảo điều kiện về thu nhập như sau:
Người đứng đơn là người độc thân thì có thu nhập hàng tháng thực nhận không quá 15 triệu đồng tính theo Bảng tiền công, tiền lương do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nơi đối tượng làm việc xác nhận.
Người đứng đơn đã kết hôn theo quy định của pháp luật thì người đứng đơn và vợ (chồng) của người đó có tổng thu nhập hàng tháng thực nhận không quá 30 triệu đồng tính theo Bảng tiền công, tiền lương do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nơi đối tượng làm việc xác nhận.
Thời gian xác định điều kiện về thu nhập của 2 nhóm đối tượng trên là trong 1 năm liền kề, tính từ thời điểm đối tượng quy định trên nộp hồ sơ hợp lệ cho chủ đầu tư để đăng ký mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, đối với người thu nhập thấp tại khu vực đô thị không có hợp đồng lao động, nếu là người độc thân thì thu nhập hàng tháng thực nhận không quá 15 triệu đồng. Nếu đã kết hôn theo quy định của pháp luật thì người đứng đơn và vợ (chồng) của người đó có tổng thu nhập hàng tháng thực nhận không quá 30 triệu đồng.
(Ảnh minh họa)
Điều kiện về nhà ở
Thứ nhất, theo quy định tại Nghị định 100/2024 thì điều kiện được mua nhà ở xã hội phải là trường hợp chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình.
Thứ hai là vợ hoặc chồng của đối tượng được mua nhà ở xã hội không có tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ hồng) tại tỉnh, TP trực thuộc trung ương nơi có dự án nhà ở xã hội tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị xác nhận có tên trong sổ hồng, Văn phòng/Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện thuộc tỉnh, TP trực thuộc trung ương nơi có dự án nhà ở xã hội thực hiện việc xác nhận đối với trường hợp quy định này.
Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị xác nhận diện tích nhà ở bình quân đầu người, UBND cấp xã thực hiện việc xác nhận đối với trường hợp quy định này.
(Ảnh minh họa)
Cho vay mua nhà
Chính sách cho vay với nhà ở xã hội trong thời gian tới cũng có thể thông thoáng hơn. Tại cuộc họp tuần trước, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (SBV) cho biết đã trình Chính phủ dự thảo nghị quyết sửa đổi gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Theo đó, SBV đề xuất lãi suất vay mua nhà ở xã hội thấp hơn 3% so với bình quân lãi vay thương mại của 4 ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank). Mức chênh lệch này tăng 1% so với quy định hiện nay, giúp người dân thêm khả năng tiếp cận các khoản vay. Chẳng hạn, vay thương mại bình quân 8% một năm, thì mức lãi suất mua nhà ở xã hội khoảng 5%.
Thời gian xác định lãi vay 3 tháng một lần, giảm một nửa so với hiện nay. Ngoài các ngân hàng quốc doanh, 4 ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng đăng ký tham gia gói tín dụng này, với 5.000 tỷ đồng mỗi đơn vị.
(Ảnh minh họa)
Đến nay, các nhà băng mới giải ngân được 1.344 tỷ đồng, tương đương hơn 1,1% gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Trong đó, các chủ đầu tư nhà ở xã hội vay 1.295 tỷ, còn người mua vay 49 tỷ đồng.
Tường San (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)