Trước đây, người làm nghề môi giới bất động sản (thường được gọi là "cò") thường hoạt động tự do và không thuộc một tổ chức hoặc doanh nghiệp cụ thể.
Vì không có sự kiểm soát chặt chẽ, giao dịch với "cò đất" tiềm ẩn nhiều rủi ro như mua phải bất động sản có tranh chấp, giá cả không minh bạch, thủ tục pháp lý không đảm bảo.
Nhưng từ hôm nay (1/8) khi Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực đã quy định chi tiết về điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản.
Điều 61 nêu rõ:
- Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản theo quy định tại khoản 5 Điều 9 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
+ Phải có quy chế hoạt động dịch vụ môi giới bất động sản;
+ Phải có cơ sở vật chất, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu hoạt động theo quy định của Chính phủ;
+ Có tối thiểu 1 cá nhân có chứng chỉ môi giới bất động sản;
+ Trước khi hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản gửi thông tin về doanh nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản cấp tỉnh nơi thành lập doanh nghiệp để được đăng tải trên hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản theo quy định.
- Cá nhân hành nghề môi giới bất động sản phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
+ Có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản;
+ Phải hành nghề trong một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản hoặc một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản.
Như vậy, kể từ ngày 1/8, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản sẽ không được hành nghề tự do mà phải hành nghề trong doanh nghiệp thay vì chỉ cần có chứng chỉ hành nghề và đăng ký nộp thuế như trước đây.
Về quản lý hoạt động của môi giới bất động sản, Điều 81 Luật kinh doanh bất động sản 2023 quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý hành nghề môi giới bất động sản, hoạt động của sàn giao dịch bất động sản, môi giới bất động sản và dịch vụ bất động sản khác trong phạm vi của địa phương.
Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản theo thẩm quyền do pháp luật quy định và theo sự phân cấp của cơ quan nhà nước cấp trên.
(Ảnh minh họa)
Nhờ đó, việc mua bán nhà kể từ nay sẽ minh bạch, rõ ràng hơn. Ngoài ra, luật quy định chủ đầu tư dự án bất động sản (BĐS) chỉ được thu tiền đặt cọc không quá 5% giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng với nhà ở, công trình xây dựng đã có đủ các điều kiện đưa vào kinh doanh. Thỏa thuận đặt cọc phải ghi rõ giá bán, cho thuê mua. Ngoài ra, luật mới cũng quy định việc thanh toán khi mua bán, thuê mua BĐS hình thành trong tương lai nếu trả theo tiến độ thì lần đầu không quá 30% giá trị hợp đồng bao gồm cả tiền đặt cọc. Những lần thanh toán tiếp theo phải phù hợp với tiến độ xây dựng nhưng tổng số không quá 70% giá trị hợp đồng khi chưa bàn giao nhà ở. Trường hợp bên bán là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thì tổng số tiền không quá 50% giá trị hợp đồng. Đây cũng là điều kiện có lợi cho người đi mua nhà đất.
Ngoài quy định về số tiền đặt cọc, luật lần này còn quy định khá chặt chẽ về điều kiện nhà ở hình thành trong tương lai. Cụ thể, khi được đưa vào kinh doanh phải có giấy phép xây dựng, có quyết định giao đất, quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, các loại giấy chứng nhận quyền sử dụng, giấy tờ chứng minh đã được nghiệm thu hoàn thành xây dựng phần móng. Đối với nhà thấp tầng phải có thêm giấy tờ nghiệm thu đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án… Đặc biệt, trước khi huy động vốn, chủ đầu tư dự án phải có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua.
(Ảnh minh họa)
Đối với dự án thấp tầng, luật lần này cũng quy định khá chi tiết và chặt chẽ điều kiện để được bán đất nền. Theo đó, dự án đất nền không thuộc 105 thành phố, thị xã cấm phân lô. Dự án BĐS phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch; bảo đảm cung cấp các dịch vụ điện, nước, thoát nước, thu gom rác thải… Dự án có sổ đỏ, không có tranh chấp hoặc nếu có thì đã được giải quyết bằng bản án, quyết định, phán quyết. Sổ đỏ dự án không bị kê biên, không thuộc trường hợp luật cấm giao dịch, đang trong thời gian bị đình chỉ hoặc tạm đình chỉ giao dịch. Đặc biệt chủ đầu tư phải xây nhà mới được bán, không được bán nền đất.
Tường San (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)