Vốn tưởng rằng, việc bị viết nhầm tên sẽ khiến cuộc đời cung nữ Đậu Y Phòng rơi vào bi kịch, nhưng không ngờ, nó lại trở thành bước chuyển lớn giúp gia tộc của bà duy trì được sự phú quý thịnh vượng hiếm hoi kéo dài suốt 800 năm lịch sử Trung Hoa.
Lịch sử Trung Hoa không hề ghi chép cụ thể về ngày tháng năm sinh của người phụ nữ truyền kỳ này của triều Hán. Mọi người chỉ biết rằng bà là người Quan Tân, Thanh Hà thời Sơ Hán. Cuộc đời của Đậu Y Phòng phải nói là vô cùng đặc sắc, một là vừa may mắn hai là sự thông minh xuất chúng mới khiến bà có thể bước tới nắm vị trí quyền lực cao nhất trong chốn hậu cung.
Sử sách có ghi chép, Đậu Y Phòng đã được tuyển vào cung ngay từ khi còn khá nhỏ. Nàng vốn dĩ chỉ cũng là một cung nữ nhỏ bé nên rất ít tiềm năng vươn lên được. Nhưng may mắn là Lữ Hậu khi ấy nắm đại quyền đã ra một sắc lệnh làm thay đổi hướng đi cuộc đời của Đậu Y Phòng. Lữ Hậu muốn làm đó là thả một số cung nữ ra khỏi cung, sau đó đem họ thưởng cho những con cháu nhà họ Lưu đã được sắc phong ở khắp các địa phương và Đậu Y Phòng chính là một trong số những cung nữ đó.
Lúc này, Đậu Y Phòng thông minh đã bỏ tiền ra để mua chuộc thái giám sắp xếp, nói rằng mình muốn được trở về quê hương của mình đó là nước Triệu, và trở thành phi tử của Triệu Vương. Nhưng đáng tiếc thái giám khi đó lại là người không cẩn thận. Vị này rõ ràng đã đồng ý với Đậu Y Phòng, nhưng cuối cùng không hiểu sao lại viết nhầm chữ “Triệu” thành chữ “Đại”.
Cứ như thế, Đậu Y Phòng trẻ tuổi đã bị đưa tới nhà Đại, Đậu Y Phòng từng vì điều này mà cảm thấy vô cùng ấm ức, đau buồn. Vốn dĩ nghĩ đã có thể trở về quê hương của mình, nào ngờ không những không đạt được ý nguyện, ngược lại bà còn phải tới vùng đất mà mình chưa bao giờ đặt chân tới.
Nhìn có vẻ đây là kết cục buồn thảm, không được như ý của Đậu Y Phòng nhưng đó chính là sự lựa chọn tốt hơn cả. Đại Vương Lưu Hằng lại tỏ ra vô cùng yêu thích Đậu Y Phòng, dần dần Đậu Y Phòng cũng phải lòng ông. Lưu Hằng thân là con trai thứ tư của Lưu Bang, về lý mà nói thì sẽ không thể có cơ hội thừa kế ngai vàng. Nhưng nước Đại cách xa trung ương triều chính, vì thế Lưu Hằng đã có thể tránh được sự truy sát của Lữ Hậu đối với con cháu nhà họ Lưu, cuối cùng vào năm 180 trước công nguyên, Lưu Hằng đã lên ngôi, cũng chính là Hán Văn Đế sau này.
Vì thế Đậu Y Phòng thuận lợi trở thành Hoàng hậu, mẫu nghi thiên hạ của Đại Hán. Đậu Y Phòng và Hán Văn Đế có với nhau một người con trai là Lưu Khởi, đây cũng là con trai đích trưởng của Lưu Hằng. Theo quy tắc của thời bấy giờ thì con trai đích trưởng sẽ nối ngôi, chính vì thế nên Lưu Khởi đã được sắc phong làm Thái tử ngay từ khi còn nhỏ. Trong những năm tháng sau này, nhờ có con trai, Đậu Y Phòng đã độc bá hậu cung. Năm 157 trước công nguyên, vua Hán Văn Đế qua đời, khi đó Hán Cảnh Đế lên ngôi và Đậu Y Phòng buông rèm nhiếp chính, trở thành Đậu Thái Hậu. Người nhà họ Đậu cũng đã cố gắng lập nên nền tảng chính trị vững chắc cho vua Hán Vũ Đế sau này mở mang bờ cõi.
Minh Thanh (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)