Bảo hiểm xe máy: Bắt buộc và tự nguyện khác nhau như thế nào?
Trước hết, cần phân biệt rõ ràng hai loại bảo hiểm xe máy phổ biến hiện nay: Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) và bảo hiểm tự nguyện.
Bảo hiểm xe máy bắt buộc: Đây là loại bảo hiểm mà tất cả chủ xe máy, mô tô đều phải có khi tham gia giao thông theo quy định của pháp luật. Mục đích của bảo hiểm này là bảo vệ quyền lợi của bên thứ ba khi xảy ra tai nạn giao thông do lỗi của chủ xe cơ giới. Khi đó, công ty bảo hiểm sẽ bồi thường thiệt hại về người và tài sản cho người bị tai nạn theo quy định.
Mua bảo hiểm xe máy loại 10 nghìn đồng thay bảo hiểm bắt buộc có bị CSGT xử phạt?
Bảo hiểm xe máy tự nguyện: Ngược lại, bảo hiểm tự nguyện không phải là yêu cầu bắt buộc. Người tham gia giao thông có thể mua thêm loại bảo hiểm này để được bồi thường thiệt hại về tài sản hoặc người ngồi trên xe (bao gồm chủ xe và người đi cùng) khi gặp tai nạn, sự cố cháy nổ hoặc trộm cướp. Phạm vi bảo hiểm và mức bồi thường sẽ được quy định cụ thể trong hợp đồng giữa người mua và công ty bảo hiểm.
Như vậy, sự khác biệt cốt lõi giữa hai loại bảo hiểm này nằm ở mục đích và đối tượng được bảo vệ. Bảo hiểm bắt buộc tập trung vào việc bảo vệ quyền lợi của bên thứ ba, trong khi bảo hiểm tự nguyện hướng đến bảo vệ tài sản và sức khỏe của chủ xe và người đi cùng.
Bảo hiểm 10 nghìn và bảo hiểm 60 nghìn: Giá trị thực sự là gì?
Trên thị trường hiện nay, bảo hiểm xe máy được bán với nhiều mức giá khác nhau, từ 10.000 - 20.000 đồng đến 50.000 - 65.000 đồng. Sự chênh lệch giá này phản ánh sự khác biệt về bản chất của các loại bảo hiểm.
Bảo hiểm bắt buộc TNDS thường có giá dao động từ 55.000 - 65.000 đồng, tùy thuộc vào dung tích xe. Đây là loại bảo hiểm mà chủ xe phải mua để đảm bảo có nguồn tài chính bồi thường cho bên thứ ba nếu gây ra tai nạn.
Ngược lại, bảo hiểm 10.000 - 20.000 đồng thường là bảo hiểm tự nguyện, hướng đến việc chi trả cho chủ xe và người ngồi trên xe khi gặp tai nạn.
"Lách luật" bằng bảo hiểm giá rẻ: Coi chừng "tiền mất tật mang"!
Nhiều người dân vì muốn tiết kiệm chi phí hoặc chỉ đơn giản là đối phó với lực lượng chức năng đã lựa chọn mua bảo hiểm tự nguyện giá rẻ mà bỏ qua bảo hiểm bắt buộc. Tuy nhiên, đây là một sai lầm nghiêm trọng.
Khi CSGT kiểm tra, nếu người điều khiển xe máy chỉ xuất trình được bảo hiểm tự nguyện mà không có bảo hiểm bắt buộc TNDS còn hiệu lực, họ vẫn sẽ bị xử phạt theo quy định. Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định rõ mức phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi không có chứng nhận bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.
Để tránh bị xử phạt và đảm bảo quyền lợi của bản thân và cộng đồng khi tham gia giao thông, người dân cần lưu ý:
- Mua bảo hiểm xe máy bắt buộc TNDS: Đây là yêu cầu bắt buộc và là trách nhiệm của mỗi chủ xe.
- Không nên chỉ mua bảo hiểm tự nguyện để đối phó: Bảo hiểm tự nguyện không thể thay thế cho bảo hiểm bắt buộc và không giúp bạn tránh bị xử phạt.
- Tìm hiểu kỹ về các loại bảo hiểm: Trước khi mua, hãy tìm hiểu rõ về phạm vi bảo hiểm, mức bồi thường và các điều khoản khác để lựa chọn loại bảo hiểm phù hợp với nhu cầu của mình.
Thu Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)