ThS Ngô Gia Hoàng (giảng viên khoa luật thương mại Trường đại học Luật TP.HCM) có bài viết chia sẻ về vấn đề này:
Sao y, công chứng giấy tờ khác với công chứng hợp đồng giao dịch nhà đất
Hoạt động sao y, công chứng giấy tờ mà Chính phủ không yêu cầu người dân thực hiện ở trên được hiểu là việc chứng thực bản sao từ bản chính hoặc chứng thực chữ ký trên các giấy tờ, văn bản cá nhân (căn cước công dân, sổ hộ khẩu, bằng cấp, giấy tờ xe…) dùng để nộp hồ sơ cho các thủ tục hành chính.
Hoạt động này khác với công chứng/chứng thực hợp đồng giao dịch về quyền sử dụng đất.
Theo khoản 1 điều 2 Luật Công chứng 2024 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2025): “Công chứng là dịch vụ công do công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng thực hiện để chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của giao dịch mà luật quy định phải công chứng, luật giao Chính phủ quy định phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng”.
Như vậy, công chứng là hoạt động xác nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch, do công chứng viên thực hiện, nhằm đảm bảo an toàn pháp lý cho các bên và giúp giao dịch có hiệu lực theo quy định pháp luật.
Tóm lại, Công chứng, chứng thực là thủ tục bắt buộc đối với giao dịch dân sự về nhà, đất. Nên thông tin sắp tới mua bán nhà đất không cần công chứng là sai (Ảnh minh họa).
Luật Đất đai 2024 (khoản 3 điều 27), Luật Kinh doanh bất động sản (khoản 5 điều 44) và Luật Nhà ở 2023 (điều 164) đều quy định hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng mua bán nhà ở trong giao dịch dân sự phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ một số trường hợp đặc biệt được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên.
Ví dụ, hợp đồng mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản; hợp đồng mua bán nhà ở thuộc tài sản công, mua bán nhà ở mà một bên là tổ chức, bao gồm: nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, nhà ở phục vụ tái định cư.
Bộ luật Dân sự 2015 (điều 502) cũng yêu cầu hợp đồng về quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản theo hình thức phù hợp với quy định, pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan, tức là phải công chứng/chứng thực như quy định nêu trên.
Mặc dù khoản 2 điều 129 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định trường hợp hợp đồng về quyền sử dụng đất không được công chứng/chứng thực thì vẫn có thể được công nhận, nhưng cần phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Được xác lập bằng văn bản.
- Một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ trong hợp đồng (ví dụ bên mua trả ít nhất 2/3 số tiền chuyển nhượng, mua bán nhà hoặc bên bán đã bàn giao nhà, đất).
- Bên mua hoặc bên bán hoặc cả hai bên yêu cầu mà tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của hợp đồng đó.
Tuy nhiên đây chỉ là trường hợp ngoại lệ.
Không công chứng, không được cấp sổ đỏ
(Ảnh minh họa)
Để hợp đồng được công nhận người dân phải khởi kiện và chờ phán quyết của tòa, rất mất thời gian, chi phí và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ngoài ra khoản 2 điều 31 Luật Đất đai 2024 cũng quy định người sử dụng đất có nghĩa vụ “thực hiện đầy đủ thủ tục khi chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật”.
Điều 133 Luật Đất đai 2024 quy định: người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất phải đăng ký biến động tại cơ quan có thẩm quyền trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có biến động.
Để thực hiện thủ tục đăng ký biến động, khoản 1 điều 30 nghị định 101/2024/NĐ-CP yêu cầu trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thì phải nộp hợp đồng hoặc văn bản về việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Do đó, việc không công chứng/chứng thực hợp đồng sẽ khiến người dân không thể làm thủ tục đăng ký biến động, không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
T.San (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)