Có thể hiểu, Trưởng thôn là người hoạt động không chuyên trách ở thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc… (gọi chung là thôn). Đây là đơn vi hành chính được tổ chức ở dưới xã.
Song song với đó là chức danh Tổ trưởng tổ dân phố. Đây là người thực hiện các hoạt động của tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu… (gọi chung là tổ dân phố). Tổ dân phố là đơn vị hành chính thực hiện dưới phường, thị trấn.
Do đó, Trưởng thôn và Tổ trưởng tổ dân phố là hai chức danh có vị trí, vai trò như nhau, quản lý, điều hành các hoạt động của thôn hoặc tổ dân phố.
Quy định về nhiệm kỳ của Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố được nêu tại khoản 9 Điều 1 Thông tư số 14/2018/TT-BNV. Cụ thể là 2,5 năm hoặc 05 năm tuỳ thuộc vào quy định của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh sau khi căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương.
Riêng trường hợp thôn mới hoặc tổ dân phố mới được thành lập hoặc thôn, tổ dân phố đó thiếu chức danh Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố thì thời hạn mà Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố lâm thời là không quá 06 tháng kể từ khi có quyết định cử lâm thời.
Trong thời gian đó, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố lâm thời sẽ điều hành các hoạt động của thôn, tổ dân phố cho đến khi bầu được Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố.
Tiêu chuẩn lựa chọn Trưởng thôn là gì?
Tiêu chuẩn bầu Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố hiện đang được quy định chi tiết tại Điều 11 Thông tư 04/2012/TT-BNV. Cụ thể gồm các tiêu chuẩn sau đây:
- Về độ tuổi: Từ đủ 21 tuổi trở lên, có sức khoẻ tốt.
- Về nơi cư trú: Phải là người có hộ khẩu thường trú tại thôn hoặc tổ dân phố được bầu làm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố. Và người này phải cư trú thường xuyên để nắm bắt chủ trương, chính sách mới nhất cũng như thuận tiện cho việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
(Ảnh minh họa)
- Về tinh thần trách nhiệm: Điều 11 Thông tư 04 yêu cầu, người được bầu làm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố phải là người nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm cao, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, được nhân dân tính nhiệm.
- Về việc chấp hành quy định: Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố phải là người gương mẫu thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật và các quy định của địa phương. Không chỉ vậy, người này còn phải có gia đình cũng phải đáp ứng điều kiện nêu trên.
- Điều kiện khác: Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố phải là người có kiến thức văn hoá, năng lực, kinh nghiệm, phương pháp vận động, tổ chức nhân dân thực hiện tốt các công việc tự quản của thôn, tổ dân phố đó và công việc do cấp trên giao xuống.
Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố hưởng lương thế nào?
Theo Khoản 2 Điều 34 Nghị định 33/2023/NĐ-CP quy định thực hiện khoán quỹ phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố. Ngân sách Trung ương khoán quỹ phụ cấp để chi trả hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở mỗi thôn, tổ dân phố như sau:
(1) Đối với thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên; tổ dân phố có từ 500 hộ gia đình trở lên; thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã ở khu vực biên giới, hải đảo được khoán quỹ phụ cấp bằng 6,0 lần mức lương cơ sở.
Trường hợp thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên chuyển thành tổ dân phố do thành lập đơn vị hành chính đô thị cấp xã thì được giữ mức khoán quỹ phụ cấp bằng 6,0 lần mức lương cơ sở.
(2) Đối với các thôn, tổ dân phố không thuộc quy định tại (1) được khoán quỹ phụ cấp bằng 4,5 lần mức lương cơ sở;
Trường hợp đơn vị hành chính cấp huyện không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã thì thôn, tổ dân phố quy định tại (1) và (2) được xác định theo đơn vị hành chính cấp huyện đó.
Theo quy định nêu trên và mức lương cơ sở từ ngày 1/7/2024 là 2,34 triệu đồng/tháng thì mức khoán quỹ phụ cấp với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố từ ngày 1/7/2024 như sau:
Lưu ý, phụ cấp này chỉ áp dụng với không quá 3 chức danh gồm bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác mặt trận.
Tường San (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)