Luật sư Hà Thị Khuyên - Trưởng Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) - cho biết, Điều 26 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định rõ về các trường hợp "doanh nghiệp bảo hiểm", "chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài" hoặc "bên mua bảo hiểm" có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm:
Các trường hợp được đơn phương chấm dứt hợp đồng
1. Bên mua bảo hiểm không đóng phí hoặc đóng không đủ phí: Nếu người mua không thực hiện nghĩa vụ đóng phí theo thời hạn thỏa thuận hoặc sau thời gian gia hạn.
Đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trong trường hợp nào? (Ảnh minh hoạ)
2. Không chấp nhận thay đổi mức độ rủi ro được bảo hiểm: Khi doanh nghiệp bảo hiểm hoặc bên mua bảo hiểm không đồng ý với yêu cầu về thay đổi mức độ rủi ro được bảo hiểm theo quy định tại Điều 23 của Luật Kinh doanh bảo hiểm.
3. Người được bảo hiểm không đảm bảo an toàn cho đối tượng bảo hiểm: Nếu người được bảo hiểm không thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho đối tượng bảo hiểm theo quy định tại khoản 3 điều 55 của Luật Kinh doanh bảo hiểm.
4. Không đồng ý chuyển giao danh mục hợp đồng bảo hiểm: Trường hợp bên mua bảo hiểm không đồng ý với việc chuyển giao danh mục hợp đồng bảo hiểm theo quy định tại khoản 4 điều 92 của Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Xử lý hậu quả khi đơn phương chấm dứt hợp đồng
Việc xử lý hậu quả khi đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể:
- Trường hợp 1: Bên mua bảo hiểm không đóng phí/đóng không đủ phí
Bên mua bảo hiểm vẫn phải đóng đủ phí bảo hiểm đến thời điểm đơn phương chấm dứt hợp đồng. Lưu ý: Quy định này không áp dụng cho hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và hợp đồng bảo hiểm sức khỏe (trừ bảo hiểm nhóm).
Đối với bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra trước thời điểm đơn phương chấm dứt hợp đồng, đồng thời có quyền khấu trừ phí bảo hiểm đến thời điểm chấm dứt hợp đồng.
(Ảnh minh hoạ)
Đối với các loại bảo hiểm khác (tài sản, thiệt hại, trách nhiệm), doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường khi sự kiện bảo hiểm xảy ra trước thời điểm chấm dứt hợp đồng, đồng thời có quyền khấu trừ phí bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng.
- Trường hợp 2 & 3: Không chấp nhận thay đổi rủi ro/Không đảm bảo an toàn
Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm hoàn trả phí bảo hiểm đã đóng cho thời gian còn lại của hợp đồng (theo thỏa thuận).
Doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm nếu sự kiện bảo hiểm xảy ra trước thời điểm đơn phương chấm dứt hợp đồng.
- Trường hợp 4: Không đồng ý chuyển giao danh mục hợp đồng
Bên mua bảo hiểm được nhận lại giá trị hoàn lại hoặc phí bảo hiểm đã đóng tương ứng với thời gian còn lại của hợp đồng (phù hợp với từng sản phẩm bảo hiểm), theo quy định tại khoản 4 Điều 27 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022.
Nếu giá trị tài sản thấp hơn dự phòng nghiệp vụ của danh mục hợp đồng bảo hiểm được chuyển giao, số tiền bên mua bảo hiểm nhận lại được tính toán dựa trên tỷ lệ giữa giá trị tài sản và dự phòng nghiệp vụ của danh mục hợp đồng bảo hiểm được chuyển giao.
Thu Hà (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)