Để dễ hình dung ngôi trường này to lớn ra sao, hãy làm một phép so sánh đơn giản. Diện tích quận Hoàn Kiếm, Hà Nội là khoảng 529 ha, chỉ bằng 1 nửa trường Đại học Quốc gia Hà Nội với 1113,7 ha. Bên cạnh đó, ngôi trường này rộng hơn 40 lần Đại học Bách khoa Hà Nội (26,2 ha), gấp 50 lần VinUni (23 ha), gấp hàng trăm lần Đại học Ngoại Thương (0,5 ha). Nếu là một quốc gia, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ rộng gấp 4 lần Công Quốc Monaco (198 ha), gấp 25 lần Thành Vatican (44ha).
Với diện tích lớn như vậy, trường Đại học Quốc gia Hà Nội có thể đáp ứng được khoảng 60.000 sinh viên. Con số này còn lớn hơn cả dân số của đảo Green Land – hòn đảo lớn nhất thế giới.
Trụ sở làm việc của trường Đại học Quốc gia Hà Nội đã chuyển đến Hòa Lạc (huyện Thạch Thất, Hà Nội) vào năm 2022. Trước đó, trụ sở của trường nằm ở 144 Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Tiền thân của trường Đại học Quốc gia Hà Nội là Đại học Đông Dương, được thành lập theo Quyết định số 1514a, ngày 16/5/1906 của Toàn quyền Đông Dương. Sau này, trường Đại học Quốc gia Việt Nam được thành lập dựa trên cơ sở Đại học Đông Dương, khai giảng khóa đầu tiên vào ngày 15/11/1945, dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có thể nhiều người không biết, ngôi trường này là ngôi trường đa ngành, đa lĩnh vực đầu tiên được thành lập dưới chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Năm 1993, Đại học Quốc gia Hà Nội được thành lập dựa trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại 3 trường đại học lớn là Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội I và Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Đến năm 1999, Đại học Sư phạm Hà Nội đã tách ra khỏi hệ thống. Đến thời điểm hiện tại, Đại học Quốc gia Hà Nội có 12 đơn vị đào tạo đào học.
Giám đốc đầu tiên của Đại học Quốc gia Hà Nội là GS.TS Nguyễn Văn Đạo. Ông là nhà cơ học hàng đầu của nước ta, một chuyên gia nổi tiếng của lĩnh vực Dao động phi tuyến và Cơ học giải tích. Trước khi nhận nhiệm vụ làm giám đốc đầu tiên của Đại học Quốc gia Hà Nội vào năm 1994, ông Nguyễn Văn Đạo từng đảm nhận nhiều vị trí quản lý.
Thu Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)