Trộm mộ cổ tồn tại ở Trung Quốc từ thời xa xưa. Mặc dù hành vi đó là vi phạm pháp luật và việc vào lăng mộ để đánh cắp kho báu là rất nguy hiểm nhưng những kẻ trộm mộ cũng sẽ chọn cách mạo hiểm vì "phần thưởng" cao.
Càng về sau này, lợi nhuận thu được từ việc bán cổ vật, vàng bạc, đồ trang sức đánh cắp được từ các ngôi mộ càng khiến nhiều người mờ mắt. Người xưa thậm chí còn truyền tai nhau câu nói: "Muốn trở thành triệu phú sau một đêm, chỉ cần đào một ngôi mộ cổ".
Tuy nhiên, có một "luật bất thành văn" được truyền tai nhau và ai cũng tuân thủ nghiêm ngặt. Luật này chính là: Hầu hết mọi thứ trong lăng mộ đều có thể chạm vào, bao gồm cả vàng bạc, châu báu, nhưng tuyệt đối không nên đụng tới ngọc bích.
Điều này phải nói đến quan niệm về linh hồn và cái chết của người Trung Quốc từ xưa. Nhiều người quan niệm, linh hồn của con người sau khi chết vẫn tồn tại. Do đó, những kẻ trộm mộ có thể lấy hết vàng bạc, châu báu nhưng không được làm tổn thương đến linh hồn người ở thế giới bên kia, nếu không sẽ bị trả thù.
Ngoài ra, dù ngọc bích có bị đánh cắp khỏi mộ cũng không có giá trị gì. Hầu hết những viên ngọc bích bị đánh cắp không những không thể bán lại mà một khi người ta phát hiện ra viên ngọc bích đó đến từ một ngôi mộ, danh tính của những kẻ cướp mộ này sẽ bị bại lộ. Rất nhiều triều đại đều có những hình phạt rất nghiêm khắc với những kẻ trộm mộ, những người nắm quyền thậm chí còn kết án những kẻ cướp mộ vào tội tử hình. Vì vậy, kết hợp với yếu tố bất lợi về giá trị và an toàn cá nhân, những kẻ trộm mộ sẽ tránh xa ngọc bích.
Đồ vật thứ hai mà những tên trộm không bao giờ dám động tới đó là chính tiền xu trong mộ cổ. Tiền xu trong những ngôi mộ cổ được coi là đồ cổ, nhưng với mỗi một thời đại khác nhau sẽ có cách đúc tiền khác nhau. Do đó, việc lấy trộm tiền xu từ thời đại trước sử dụng cho thời đại nay gần như là vô giá trị.
Hơn nữa, việc vận chuyển tiền xu thật sự rất vất vả, không tiện cho những kẻ trộm mộ. Tiền xu đem tùy táng thường có mệnh giá rất thấp và số lượng rất nhiều, có thể lên tới cả tấn, do đó việc vận chuyển những đồng tiền nặng và nhiều như vậy trở nên bất khả thi.
Mặt khác, vào thời cổ đại, người ta không sưu tầm tiền cổ nên đây có thể coi là bằng chứng của việc trộm mộ. Trong khi đó, tiền xu luôn có đặc điểm niên đại rõ ràng, rất dễ nhận ra. Ai có trong tay những đồng tiền cổ đồng nghĩa với việc họ có liên quan đến các vụ trộm mộ và sẽ thu hút sự điều tra của triều đình và các quan chức. Do đó, vì sự an toàn của bản thân, những kẻ trộm mộ không dám lấy đi những đồng tiền cổ.
Nguyễn Giang (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)