"Tây Du Ký", một trong những tác phẩm kinh điển của Trung Quốc đã tạo nên hình ảnh ba chiều vô cùng sinh động về “Tôn Ngộ Không” mà nhiều khán giả yêu thích khi còn nhỏ.
Tôn Ngộ Không là nhân vật được sinh ra từ tảng đá. Vừa sinh ra đã có trí tuệ và nhanh chóng trở thành người dẫn đầu một bầy khỉ ở Hoa Quả Sơn. Vì lo lắng cho tuổi thọ của mình nên đã du hành khắp nơi, vượt đại dương đến gặp Bồ Đề Tổ Sư để học đạo. Sau khi học được phép thuật trường sinh bất tử, cuối cùng hắn trở về Hoa Quả Sơn xưng vua và kết nghĩa với 6 yêu vương tạo thành "thất Đại Thánh" bao gồm Ngưu Ma Vương (Bình Nguyên Đại Thánh), Giao Ma Vương (Phúc Hải Đại Thánh), Bằng Ma Vương (Hỗn Thiên Đại Thánh), Sư Đà Vương (Di Sơn Đại Thánh), Di Hầu Vương (Thông Phong Đại Thánh), Ngu Nhung Vương (Khu Thần Đại Thánh). Tôn Ngộ Không tự phong là Tề Thiên Đại Thánh, quấy đảo thủy cung và địa phủ, đối đầu với thiên đình. Trong nguyên tác, nhóm ma vương này đều sở hữu pháp lực cao cường và vô cùng lợi hại đủ sức làm "kinh thiên động địa".
Sau đó Tôn Ngộ Không bị Phật Như Lai trấn áp ở núi Ngũ Hành. Yêu quân trên Hoa Quả Sơn phần lớn phân tán lực lượng, trong số rất nhiều huynh đệ kết nghĩa với Tôn Ngộ Không đều không có người nào đến cứu hắn. Lúc này Tôn Ngộ Không nhất định cũng đã trải qua một khoảng thời gian rất khó chịu khi không có người anh em kết nghĩa nào đoái hoài tới hắn. Vì vậy, sau khi thoát khỏi núi Ngũ Hành, hắn đã không đến thăm lại những người anh em kết nghĩa của mình.
Phải đến khi Tôn Ngộ Không dấn thân vào hành trình đi thỉnh kinh, hắn mới thực sự hiểu được nguồn gốc của Ngưu Ma Vương. Trong các yêu quái Tôn Ngộ Không gặp trên đường đi thỉnh hầu hết đều là thú cưỡi của các vị tiên thánh trên thiên giới trốn xuống phàm trần, nhưng không ai dám dùng Ngưu Ma Vương làm thú cưỡi.
Trong chương thứ 61 của "Tây Du Ký", kiếp nạn “ba lần lấy quạt Ba Tiêu”, thầy trò Đường Tăng phải đi ngang qua núi Hỏa Diệm sơn mới đến được Tây Thiên nhưng vì lửa cháy quá lớn không cách nào qua được liền phải mượn nhờ quạt ba tiêu của Thiết Phiến công chúa. Vốn đã có thù từ trước về chuyện con trai của mình là Hồng Hài Nhi nên Thiết Phiến một mình khước từ chuyện mượn quạt của Ngộ Không. Nhưng Ngộ Không chẳng khuất phục, tìm đủ mọi cách để lấy được quạt thật.
Ngộ Không dùng Định Phong Châu mượn của Linh Cát Bồ Tát tránh được sức mạnh quạt ba tiêu. Sau đó hắn đã biến thành Ngưu Ma Vương để lừa lấy quạt ba tiêu. Về phần Ngưu Ma Vương thấy vợ bị ấm ức liền quyết sống mái với Ngộ Không một phen, biến thành Bát Giới cầm quạt mang về. Đến cuối cùng phải nhờ Phật Tổ phái Bát Đại Kim Cương, Ngọc Hoàng cử thiên binh thiên tướng tới giúp sức, các bên hợp lực tạo thành thiên la địa võng mới trấn áp nổi.
Tôn Ngộ Không là Tề Thiên Đại Thánh với 72 phép biến hóa không lường, rất ít yêu tinh có thể mang tài ngang sức với hắn nếu không có bảo bối trợ giúp trong tay. Nhưng Ngưu Ma Vương lại là một trong số ít ỏi đó. Yêu vương này cũng có 72 phép thần thông biến hóa, ngang ngửa Tôn Ngộ Không.
Phép thuật chính đạo trong Tam giới gồm 36 phép thiên cang và 72 phép địa sát, phải khổ công rèn luyện và có tiên nhân đắc đạo chỉ điểm mới tu luyện được.
Từ thuở hỗn mang, chỉ những đấng sáng tạo như Hồng Quân lão tổ cùng với 3 đệ tử Thông Thiên Giáo Chủ, Thái Thượng Lão Quân và Nguyên Thủy Thiên Tôn mới biết đủ 108 phép thiên cang địa sát. Tôn Ngộ Không luyện được 72 phép địa sát nhờ vào thiên phú và sự chỉ điểm của Bồ Đề Tổ Sư, vậy nhờ đâu Ngưu Ma Vương lại có thể luyện thành 72 phép?
Có một giả thuyết về thân thế của Ngưu Ma Vương chính là thú cưỡi của Thông Thiên giáo chủ. Linh Bảo Thiên Tôn tức Thông Thiên Giáo chủ là một trong 3 vị học trò của Hồng Quân lão tổ. Ngài có pháp lực vô biên, tay cầm tru tiên tứ kiếm, mình cưỡi khuê ngưu. Sau khi thất bại trước hai vị sư huynh, ông được sư phụ đưa về cung Tử Tiêu nhưng con khuê ngưu thì bị thất lạc. Con khuê ngưu ấy có thể chính là Ngưu Ma Vương, trốn xuống trần gian làm yêu ma.
Suốt một thời gian dài đi theo phò tá Thông Thiên Giáo chủ, Ngưu Ma Vương nghe ông giảng đạo nên đã lĩnh ngộ được 72 phép thần thông quảng đại. Khi xuống trần, y tu thành chính quả sau đó cưới Thiết Phiến Công Chúa, một nữ nhân mang dòng dõi thần tiên. Chính bởi xuất thân có phần cao quý như thế nên mặc dù một con yêu quái như Ngưu Ma Vương lại không phải là thú cưỡi của những vị thánh tiên bình thường. Hắn dám phá lệ trời cưới tiên nhân, nhưng cũng không bị trời trừng phạt.
Hoàng Anh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)