Sự ra đời của Hải Hưng
Ngày 26 tháng 1 năm 1968, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam ban hành nghị quyết về việc hợp nhất hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên, chính thức khai sinh tỉnh Hải Hưng. Sự hợp nhất này được kỳ vọng sẽ tạo ra một đơn vị hành chính lớn mạnh hơn, có khả năng khai thác hiệu quả hơn các nguồn lực và tiềm năng của cả hai địa phương.
Tỉnh Hải Hưng từng được hình thành sau khi sáp nhập hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên
Khi mới thành lập, tỉnh Hải Hưng bao gồm hai thị xã là Hải Dương (tỉnh lỵ) và Hưng Yên, cùng 20 huyện: Ân Thi, Bình Giang, Cẩm Giàng, Chí Linh, Gia Lộc, Khoái Châu, Kim Động, Kim Thành, Kinh Môn, Mỹ Hào, Nam Sách, Ninh Giang, Phù Cừ, Thanh Hà, Thanh Miện, Tiên Lữ, Tứ Kỳ, Văn Giang, Văn Lâm và Yên Mỹ. Về vị trí địa lý, Hải Hưng đóng vai trò quan trọng trong vùng Đồng bằng Bắc Bộ, tiếp giáp với nhiều tỉnh thành trọng yếu như Hà Bắc, Hà Nội, Thái Bình, Hà Nam Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng và Hà Sơn Bình.
Những thay đổi về đơn vị hành chính trong quá trình tồn tại
Trong quá trình tồn tại, tỉnh Hải Hưng đã trải qua nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính, chủ yếu là sáp nhập các huyện nhỏ để tinh gọn bộ máy quản lý.
- Khu vực Hải Dương: Năm 1977, huyện Cẩm Giàng và Bình Giang hợp nhất thành huyện Cẩm Bình. Năm 1979, Kim Thành và Kinh Môn sáp nhập thành huyện Kim Môn; Nam Sách và Thanh Hà thành huyện Nam Thanh; Tứ Kỳ và Gia Lộc thành huyện Tứ Lộc; Thanh Miện và Ninh Giang thành huyện Ninh Thanh.
- Khu vực Hưng Yên: Năm 1977, Phù Cừ và Tiên Lữ hợp nhất thành huyện Phù Tiên, Văn Giang và Yên Mỹ hợp nhất thành huyện Văn Yên, Văn Lâm và Mỹ Hào hợp nhất thành huyện Văn Mỹ. Năm 1979, huyện Văn Yên (trừ 11 xã thuộc huyện Văn Giang cũ được chuyển sang huyện Khoái Châu) và huyện Văn Mỹ hợp nhất thành huyện Mỹ Văn. Khoái Châu sáp nhập với 11 xã thuộc huyện Văn Giang cũ để thành lập huyện Châu Giang, trong khi Kim Động và Ân Thi hợp nhất thành huyện Kim Thi.
Đến đầu năm 1996, tỉnh Hải Hưng có hai thị xã và 10 huyện. Tuy nhiên, chỉ một năm sau đó, tỉnh tiếp tục điều chỉnh địa giới khi tách Kim Thi thành Kim Động và Ân Thi, Ninh Thanh thành Ninh Giang và Thanh Miện, Tứ Lộc thành Tứ Kỳ và Gia Lộc. Như vậy, trước khi chia tách, tỉnh Hải Hưng có hai thị xã và 13 huyện.
Sự tái lập của Hải Dương và Hưng Yên
Sau gần 30 năm tồn tại, tỉnh Hải Hưng đã hoàn thành vai trò lịch sử của mình. Ngày 6 tháng 11 năm 1996, Quốc hội khóa IX thông qua nghị quyết về việc chia tách tỉnh Hải Hưng để tái lập hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên.
- Tỉnh Hải Dương: Bao gồm thị xã Hải Dương và 8 huyện: Cẩm Bình, Chí Linh, Gia Lộc, Kim Môn, Nam Thanh, Ninh Giang, Thanh Miện và Tứ Kỳ.
- Tỉnh Hưng Yên: Bao gồm thị xã Hưng Yên và 5 huyện: Ân Thi, Châu Giang, Kim Động, Mỹ Văn và Phù Tiên.
Sau khi tái lập, cả hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên đều có những bước phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội. Từ những tỉnh thuần nông, cả hai đã vươn lên trở thành những địa phương có tốc độ phát triển nhanh, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng.
Tính đến năm 2025, Hải Dương là một tỉnh có diện tích 1.668,20 km² với dân số gần 1,9 triệu người, bao gồm hai thành phố (Hải Dương và Chí Linh), một thị xã (Kinh Môn) và 9 huyện. Trong khi đó, Hưng Yên có diện tích 930,20 km² với dân số khoảng 1,3 triệu người, bao gồm một thành phố (Hưng Yên), một thị xã (Mỹ Hào) và 8 huyện.
Thu Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)