Từ "trộm vía" thường được nhiều người nói khi công việc thuận lợi: "Trộm vía nay gặp khách hàng suôn sẻ quá". Đặc biệt, với trẻ nhỏ thường nhận được nhiều lời khen như: "Trộm vía, em bé bụ bẫm quá", "Trộm vía bé đáng yêu quá"...
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ cho biết: "Người miền Bắc quen nói “trộm vía” là vì người xưa quan niệm nam có ba hồn bảy vía, còn nữ có ba hồn chín vía. Vía ở đây là năng lượng tinh thần và mà nhờ năng lượng đó mà con người ta có thể sống được một cách khỏe mạnh".
Ví dụ: “Khi con người bị đau yếu thì người ta tin có một vía nào đó bị phạm, nó có thể phạm theo nhiều cách nhưng người Việt tin rằng những tác động bên ngoài vào mắt, mũi miệng lưỡi thì khiến cho vía bị lay động và có thể dẫn tới bệnh tật.
Đối với trẻ nhỏ, người xưa quan niệm vía trẻ con còn yếu, cần bảo vệ, giữ gìn nên trước khi khen trẻ nhỏ, phải xin phép các vía trước. Ví dụ như nói: “Trộm vía đứa bé xinh, ngoan”, thì cụm từ “trộm vía” coi như là một lời xin phép. Cái xin đó thì về mặt tín ngưỡng là xin thần thánh và người ta cũng quan niệm như một lời xin đối với gia chủ”.
(Ảnh minh họa)
Đọc đến đây bạn sẽ thắc mắc, tại sao không gọi trộm hồn cho sát nghĩa hơn, mà lại gọi "trộm vía"? Đơn giản là cách gọi này dựa vào hai từ “hồn phách” theo cách đọc cổ xưa. Cụ thể, hồn là phần tinh thần thiêng liêng của con người. Phách là phần tinh khí trong con người và người Việt chúng ta hay gọi là vía. Cho nên, tóm lại trộm hồn chỉ dành cho người đã khuất, còn trộm vía mới thích hợp dùng cho người còn sống, nhất là cho trẻ em những điều tốt đẹp.
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)