Tráng bát đũa, cốc chén qua nước nóng
Trước đây, Cục Kiểm dịch Sơn Đông, Trung Quốc đã thực hiện một thí nghiệm về điều này. Họ chuẩn bị hai chiếc đĩa, trước khi tiến hành tráng bát đĩa qua nước sôi, tổng số khuẩn lạc (một cụm vi khuẩn) trên hai đĩa đã được kiểm tra. Tổng số khuẩn lạc trên đĩa đầu tiên là 60CFU/50 cm2 và tổng số khuẩn lạc trên đĩa thứ hai là 100 CFU/50cm2.
Sau đó, nhóm thực hiện thí nghiệm cũng bắt chước hành vi hàng ngày của mọi người, đĩa đầu tiên được tráng bằng nước sôi 100 độ C trong 5 giây, và tổng số khuẩn lạc thay đổi từ 60 thành 45; đĩa thứ hai được tráng bằng nước nóng 50 độ C trong 5 giây, tổng số khuẩn lạc đã thay đổi từ 100 đến 95 (tất cả các đơn vị là CFU/50 cm2).
Có nghĩa là, sau khi rửa sạch và tráng bằng nước sôi, tổng số khuẩn lạc thay đổi trên 2 chiếc đĩa đều không đáng kể, cho thấy tác dụng của việc khử trùng là rất nhỏ.
Tráng bát đũa qua nước sôi vài giây không có hiệu quả khử trùng cao. (Ảnh minh họa)
Theo nguyên tắc, tiệt trùng bằng nước nóng thực sự không chỉ cần đạt được nhiệt độ cao mà còn phải đảm bảo đủ thời gian khử trùng. Hầu hết các vi khuẩn dễ gây tổn thương đường tiêu hóa cho mọi người cần phải được đun nóng trên 100 độ C trong 1-3 phút, hoặc đun nóng trên 80 độ C trong hơn 10 phút mới có thể khiến chúng chết.
Nói cách khác, nếu chúng ta có thể đáp ứng hai điều kiện này cùng nhau trong quá trình tráng bộ đồ ăn bằng nước sôi thì việc khử trùng có thể đạt được hiệu quả tối ưu.
Khi đi ăn ngoài, có nên dùng nước sôi để tráng đồ dùng ăn uống?
Đánh giá từ số liệu các vụ việc ngộ độc thực phẩm, không có vụ ngộ độc quy mô lớn nào do bộ đồ dùng ăn uống gây ra. Vì vậy, mọi người không bắt buộc phải dùng nước sôi tráng bát đũa khi ăn bên ngoài.
Trên thực tế, việc tráng bộ đồ ăn bằng nước nóng trên 70 độ C trong 15 giây có thể tiêu diệt một số vi sinh vật có hại (tất nhiên chỉ là một phần). Việc tráng rửa đúng cách cũng có thể loại bỏ các tạp chất, chất tẩy rửa, bụi bặm,... trên bát đũa nên nếu không yên tâm, bạn vẫn có thể thực hiện.
Tuy nhiên, về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của các nhà hàng, quán ăn vẫn là điều đáng lưu tâm. Do đó, tốt nhất mọi người nên hạn chế việc ăn uống bên ngoài. Nếu chọn ăn ngoài thì nên chọn nhà hàng lớn và đáng tin cậy.
Cách tiệt trùng đồ dùng ăn uống đúng cách
Dù là bộ đồ ăn mới hay bộ đồ ăn cũ cũng cần phải tiệt trùng bằng cách luộc chín. Cho một lượng nước vừa đủ vào nồi, sau khi nước sôi bạn cho bộ đồ ăn vào nồi đun khoảng hơn 5 phút để tiệt trùng hiệu quả. Nếu đun sôi nước trong khoảng thời gian ít hơn, tầm 3-5 phút, thì bạn không nên vớt ra vội mà hãy tắt bếp để bát đũa ngâm trong nước sôi khoảng 5-10 phút nữa rồi mới vớt ra.
Lưu ý sau khi luộc đồ dùng ăn uống bằng nước sôi, bạn nên để đồ ở nơi khô ráo, thoáng mát, chờ đến khi bát đũa khô mới đem cất, tránh để đồ dùng bị ẩm dễ dẫn tới mốc và sản sinh nhiều vi khuẩn.
Nếu có điều kiện, các gia đình có thể trang bị tủ khử trùng chuyên nghiệp, có thể khử trùng bằng tia hồng ngoại, nhiệt độ đạt 120 độ C, hiệu quả khử trùng càng triệt để. Tủ khử trùng trong gia đình không cần lớn, vừa đủ là được.
4 bước khử trùng hiệu quả
Để đảm bảo quá trình khử trùng bằng nước sôi đạt được hiệu quả tối ưu, bạn nên thực hiện theo 4 bước dưới đây:
Đun sôi nước thật kỹ
Trước khi bắt đầu quá trình khử trùng, hãy chắc chắn rằng nước đã được đun sôi ở nhiệt độ cao, đạt khoảng 100 độ C. Nhiệt độ này là rất quan trọng để tiêu diệt vi khuẩn và các mầm bệnh có trong đồ dùng. Bạn không nên sử dụng nước ấm, vì nhiệt độ không đủ sẽ không có khả năng tiêu diệt vi khuẩn một cách hiệu quả.
Ngâm đồ dùng trong nước sôi đủ thời gian
Để việc khử trùng đảm bảo, đồ dùng cần được ngâm trong nước sôi ít nhất 5 phút. Thời gian này cho phép nhiệt độ thâm nhập vào mọi ngóc ngách của đồ dùng, bảo đảm tiêu diệt tất cả các loại vi khuẩn và mầm bệnh. Đối với những đồ dùng quá lớn hoặc dày, bạn có thể cần thời gian ngâm lâu hơn để đạt được kết quả tốt nhất.
Rửa sạch các dụng cụ bằng nước tinh khiết sau khi đã ngâm
Sau khi hoàn tất quá trình ngâm trong nước sôi, hãy rửa lại đồ dùng bằng nước sạch để loại bỏ tất cả bụi bẩn hoặc vi khuẩn còn sót lại. Quá trình này không chỉ giúp cho đồ dùng trở nên sạch sẽ mà còn ngăn chặn sự tái phát triển của vi khuẩn do tồn đọng vết bẩn.
Lau khô đồ dùng bằng khăn sạch
Khi đã rửa xong, bạn nên lau khô đồ dùng bằng khăn sạch để loại bỏ các giọt nước còn lại, đồng thời giúp giảm thiểu nguy cơ vi khuẩn phát triển trở lại.
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)