Một mặt, chúng ta đang chứng kiến sự tăng nhiệt độ toàn cầu chưa từng có, với năm 2023 phá vỡ kỷ lục là năm nóng nhất từ trước tới nay, vượt qua cả năm 2016 - năm của hiện tượng El Niño.
Mặt khác, các nhà nghiên cứu công bố trên tạp chí khoa học Naturre Communications cho biết Dòng Hải lưu Kinh tuyến Đại Tây Dương (AMOC) có thể sụp đổ bất cứ lúc nào trong khoảng thời gian từ năm 2025 đến năm 2095, sớm hơn nhiều so với những ước tính trước đó. Điều này sẽ khiến nhiệt độ giảm mạnh, hệ sinh thái đại dương sụp đổ và bão phát triển khắp thế giới.
AMOC tồn tại ở hai trạng thái ổn định bao gồm một trạng thái mạnh, nhanh và trạng thái ngược lại là chậm, yếu. Các nghiên cứu trước đây dự đoán, dòng hải lưu có thể sẽ chuyển sang chế độ yếu vào thời điểm nào đó trong thế kỷ tới. Nhưng biến đổi khí hậu do con người gây ra có thể sớm đẩy AMOC đến sự sụp đổ.
Giáo sư Susanne Ditlevsen, Đại học Copenhagen (Đan Mạch), tác giả chính của nghiên cứu cho biết: "Sự sụp đổ của AMOC có thể sẽ xảy ra sớm hơn nhiều so với dự kiến, do con người đang phát thải khí nhà kính ở mức báo động".
Các dòng chảy của Đại Tây Dương hoạt động giống như một băng chuyền toàn cầu vô tận, chúng di chuyển oxy, chất dinh dưỡng, carbon và nhiệt trên Trái Đất.
AMOC khiến dòng nước ấm, mặn và đậm đặc hơn ở phía nam chảy về phía bắc để làm mát và chìm xuống dưới các vùng nước ở vĩ độ cao hơn, giải phóng nhiệt vào khí quyển. Sau đó, dòng chảy này từ từ di chuyển về phía nam và nóng trở lại, quá trình này diễn ra theo chu kỳ. Nhưng biến đổi khí hậu toàn cầu đang làm chậm hoạt động của dòng chảy.
Bên cạnh đó, nước ngọt từ các tảng băng tan chảy làm cho dòng chảy ít đậm đặc và giảm mặn, các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra dòng hải lưu này đang ở mức yếu nhất trong 1.000 năm qua.
Khu vực gần Greenland, nơi các vùng biển phía nam chìm xuống (được gọi là dòng hải lưu cận cực) giáp với một mảng, đang có nhiệt độ thấp kỷ lục. Trong khi, nhiệt các vùng biển xung quanh tăng lên mức cao nhất trong lịch sử, tạo thành một "đốm" nước lạnh ngày càng mở rộng.
Lần cuối cùng AMOC chuyển chế độ là trong kỷ băng hà Đệ Tứ, cách đây khoảng 2 triệu năm, khí hậu gần Greenland đã tăng 10-15 độ C trong vòng một thập kỷ. Nếu dòng chảy này sụp đổ, nhiệt độ ở Châu Âu và Bắc Mỹ có thể giảm tới 5 độ C.
Tuy nhiên nghiên cứu mới này cũng gây tranh cãi trong giới khoa học về thời điểm sụp đổ AMOC.
"Nếu số liệu thống kê chính xác về những thay đổi của AMOC, thì đây là một kết quả rất đáng lo ngại. Nhưng có một số ẩn số và giả định thực sự lớn cần được điều tra, trước khi chúng tôi tin tưởng vào kết quả này", ông David Thornalley, giáo sư của khoa học đại dương và khí hậu tại Đại học College London, nói với Live Science.
Các nhà khoa học khí hậu khác thì nói nghiên cứu hoàn toàn không rõ ràng và thiếu chắc chắn, và mô hình mà nhóm nghiên cứu đưa ra có thể có thiếu sót.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu tâm là, dù có nguy cơ tiềm ẩn, các dự báo về thời điểm và mức độ ảnh hưởng của sự kiện này vẫn còn nhiều bất định. Điều này cho thấy, trong khi nghiên cứu khoa học cung cấp cái nhìn sâu sắc về tương lai, thực tế có thể phức tạp hơn nhiều.
Trong bối cảnh đó, việc giảm thiểu biến đổi khí hậu, thông qua việc giảm phát thải khí nhà kính và các biện pháp khác, không chỉ là một nhiệm vụ cấp bách để tránh vượt qua các ngưỡng khí hậu mà còn là cách để ngăn chặn các sự kiện cực đoan và hậu quả không lường trước được.
Nguyễn Giang (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)