Từ Sài Gòn - Gia Định đến TP.HCM: Những bước đi đầu tiên
Ngay sau ngày 30/4/1975, một quyết định mang tính lịch sử đã được đưa ra: Hợp nhất Đô thành Sài Gòn, tỉnh Gia Định, cùng với quận Củ Chi và Phú Hòa, tạo thành một đơn vị hành chính thống nhất mang tên thành phố Sài Gòn - Gia Định. Thời điểm đó, thành phố bao gồm 18 quận nội thành (từ quận 1 đến quận 11, cùng với Bình Hòa, Thạnh Mỹ Tây, Hạnh Thông, Thông Tây Hội, Phú Nhuận, Tân Sơn Nhì, Tân Sơn Hòa) và 5 huyện ngoại thành là Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Thủ Đức.
Từ 1975 đến nay, những lần tách, nhập địa giới hành chính của TP.HCM, mọi người nên biết
Một năm sau, ngày 20/5/1976, UBND Cách mạng thành phố Sài Gòn - Gia Định ban hành Quyết định 301/UB, đánh dấu bước điều chỉnh lớn đầu tiên. 18 quận nội thành được sắp xếp lại thành 12 quận (1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình) và giữ nguyên 5 huyện ngoại thành. Cơ cấu hành chính cấp xã cũng được định hình với 345 đơn vị, bao gồm 74 xã, 270 phường và 1 thị trấn.
Ngày 2/7/1976, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết đổi tên thành phố Sài Gòn - Gia Định thành TP.HCM, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của thành phố mang tên Bác.
Mở rộng địa giới và những điều chỉnh mang tính chiến lược
Những năm tiếp theo chứng kiến sự điều chỉnh linh hoạt nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển. Ngày 18/9/1976, huyện Côn Sơn được thành lập thuộc TP.HCM, tuy nhiên, do yếu tố địa lý và nhu cầu quản lý, huyện này sau đó được chuyển giao cho tỉnh Hậu Giang. Đến ngày 15/1/1977, Quốc hội phê chuẩn đổi tên huyện Côn Sơn thành huyện Côn Đảo và sáp nhập vào tỉnh Hậu Giang.
Trong năm 1977, thị trấn Hóc Môn được thành lập thuộc huyện Hóc Môn trên cơ sở tách một phần diện tích và dân số từ các xã Tân Thới Nhì, Thới Tam Thôn và Tân Hiệp. Đồng thời, hai xã mới là Lê Minh Xuân và Phạm Văn Hai thuộc huyện Bình Chánh cũng được thành lập tại vùng kinh tế mới.
Một bước ngoặt quan trọng khác diễn ra vào ngày 29/12/1978 khi Quốc hội phê chuẩn việc phân vạch lại địa giới TP.HCM, Hà Nội và một số tỉnh. Theo đó, huyện Duyên Hải của tỉnh Đồng Nai được sáp nhập vào TP.HCM. Cuối năm 1991, huyện Duyên Hải chính thức được đổi tên thành huyện Cần Giờ, mở ra tiềm năng phát triển kinh tế biển và du lịch sinh thái cho thành phố.
Giai đoạn từ 1979 đến 1991 cũng chứng kiến sự tái cấu trúc các phường thuộc quận 1, với việc giải thể 20 phường cũ và thành lập 10 phường mới: Tân Định, Đa Kao, Bến Nghé, Bến Thành, Nguyễn Thái Bình, Cầu Ông Lãnh, Cô Giang, Cầu Kho, Nguyễn Cư Trinh và Phạm Ngũ Lão.
Thành lập các quận mới và sự phát triển đô thị hóa
Đầu năm 1997, Chính phủ ban hành Nghị định về việc giải thể huyện Thủ Đức và thành lập quận 2, quận 9, quận Thủ Đức, đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của khu vực phía Đông thành phố. Đồng thời, các đơn vị hành chính mới là quận 7 và quận 12 cũng được thành lập, đáp ứng nhu cầu quản lý và phát triển đô thị.
Đến năm 2003, TP.HCM tiếp tục có thêm hai quận mới là Tân Phú (tách ra từ quận Tân Bình) và Bình Tân (tách ra từ huyện Bình Chánh), thể hiện quá trình đô thị hóa nhanh chóng và nhu cầu chia nhỏ đơn vị hành chính để quản lý hiệu quả hơn. Năm 2006, Chính phủ tiếp tục điều chỉnh địa giới hành chính một số phường thuộc quận Gò Vấp và quận 12, nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển.
Thành phố Thủ Đức và những thay đổi gần đây
Năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 1111 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM, trên cơ sở sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. Nghị quyết này cũng cho phép nhập 19 phường thuộc quận 2, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận.
Mới đây nhất, tháng 11/2024, Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó, 80 phường thuộc 10 quận sẽ được sắp xếp để hình thành 41 phường mới, giảm 39 phường. Mục tiêu của đợt sắp xếp này là tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động và đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố.
Hiện tại, TP.HCM có 22 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 16 quận, 5 huyện và 1 thành phố (Thủ Đức); 273 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 210 phường, 58 xã và 5 thị trấn.
Với vị trí địa lý chiến lược, giáp với nhiều tỉnh thành và Biển Đông, TP.HCM có tổng diện tích 2.095 km2 và dân số 9.521.886 người (tính đến ngày 1/4/2024), là thành phố đông dân nhất cả nước.
Theo quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP.HCM đặt mục tiêu trở thành đô thị toàn cầu, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại - dịch vụ, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước. Về kinh tế, thành phố phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân khoảng 8,5 - 9%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030, với GRDP bình quân đầu người đạt 14.800 - 15.400 USD vào năm 2030.
Những thay đổi về địa giới hành chính, cùng với tầm nhìn phát triển rõ ràng, cho thấy TP.HCM đang nỗ lực không ngừng để vươn mình trở thành một đô thị hàng đầu khu vực và thế giới. Quá trình này không chỉ là sự điều chỉnh về mặt hành chính mà còn là sự chuyển mình về chất, hướng tới một tương lai thịnh vượng và bền vững.
T.Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)