Sau khi trải qua 81 kiếp nạn, cuối cùng Đường Tăng và 4 đồ đệ đã đến được Tây Thiên thỉnh kinh. Tôn Ngộ Không được phòng là "Đấu Chiến Thắng Phật", Trư Bát Giới được phong là "Tịnh Đàn sứ giả", và Sa Tăng được phong là "Kim Thân La Hán".
Điều khiến mọi người không hiểu là phim luôn nói về "từ bi", nhưng tại sao Tôn Ngộ Không từng giết 6 người phàm không những không bị phạt mà còn là đệ tử duy nhất được phong làm Phật?
Sau khi đại náo Thiên cung, Tôn Ngộ không đã bị Phật tổ giam cầm 500 năm dưới chân núi Ngũ Hành. Mãi cho đến khi Đường Tăng xuất hiện, Tôn Ngộ Không mới lấy lại được tự do. Tôn Ngộ Không ngay lập tức phò tá sư phụ bắt đầu chuyến hành trình sang Tây Thiên thỉnh kinh. Khi 2 thầy trò tá túc trong 1 nhà dân có ông lão và cậu bé ở một căn nhà nhỏ trên sườn núi, 6 tên cường đạo huyên cướp bóc dân lành nhiều lần đến quấy rối họ. Vì quá bất bình, Tôn Ngộ Không đã ra tay sát hại không thương tiếc.
Chứng kiến cảnh đệ tử thẳng tay đoạt mạng người khác, Đường Tăng vô cùng bất ngờ, ông cho rằng Tôn Ngộ Không không có lòng trắc ẩn nào cả. Ông lập tức đổ lỗi cho Tôn Ngộ Không kiêu ngạo và không vâng lời. Tôn Ngộ Không vừa cứu được sư phụ nhưng đổi lại bị giáo huấn nên đã tức giận ném chiếc mũ Đường Tăng khâu xuống đất rồi bỏ đi.
Trên thực tế, 6 người phàm bị Tôn Ngộ Không giết không phải là người bình thường. Đó là 6 con yêu quái hoá thành, chúng lần lượt là: Nhãn Khán Hỷ (Mắt thấy mừng), Nhĩ Thính Nộ (Tai nghe giận), Tỵ Khứu Ái (Mũi ngửi thích), Thiệt Thường Tư (Lưỡi nếm nghĩ), Thân Bổn Ưu (Thân vốn lo), Ý Kiến Dục (Ý thấy muốn).
Hay nói cách khác, khi ghép tên 6 tên cướp này lại, ta thu được lục căn. Mắt, tai, mũi, lưỡi, ý và thân là đại diện cho sáu căn cơ của con người trong Phật giáo.
Theo quan điểm của đạo Phật, con người ta muốn đắc đạo thì lục căn phải thanh tịnh, nếu chấp trước vào những thứ phàm phu thì không thể thành Phật. Việc Tôn Ngộ Không thẳng tay trừng trị 6 tên cướp này thực ra có ngụ ý là cắt đứt sáu giác quan.
Theo quan điểm của Phật giáo, trong quá trình tu hành, con người thường bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh. Khi con người tự mình thanh tịnh, biết được rằng cuộc sống cần phải vô vi thì ắt tự thấy chân tâm, nhìn thấy bản tính thực sự của mình.
Dương Huyền (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)