Nếu như nói muốn trở thành người yêu thì chỉ cần một lần gặp gỡ, nhưng để trở thành người nhà, nó lại là duyên phận cả trăm ngàn kiếp. Ngày nay có rất nhiều phụ huynh đều rất phiền lòng, họ cảm thấy con cái của mình dường như là kẻ thù kiếp trước của mình vậy, đặc biệt là khi người bố dạy con mình học bài.
Từ đó khiến người ta nhớ tới câu nói: “Không thù thì không thành cha con”. Tại sao trong tục ngữ Trung Hoa lại lưu truyền rộng rãi câu nói này? Đương nhiên không chỉ là vì thuận miệng, mà là vì bên trong nó ẩn chứa rất nhiều đạo lý. “Không thù không thành cha con, không hận không thành vợ chồng” chính là một câu tục ngữ của người cổ đại Trung Quốc truyền lại cho đời sau để truyền bá kinh nghiệm sống.
Tại sao lại nói: “Không thù không thành cha con?”
“Không thù không thành cha con” nghĩa là gì?
Thù hận là tình cảm đen tối nhất của con người. Đối với thù hận, cho dù là quốc gia nào thì đây cũng là thứ xiềng xích khó mà hóa giải được. Người ta vẫn nói tình cha cao cả như núi Thái Sơn, không phải là để thể hiện tình yêu thương của người cha dành cho con cái sâu nặng, mà là nói lên sự hi sinh của người cha cao cả như núi.
Nếu bỏ qua quan hệ cha con, một người có thể hi sinh mọi thứ vì người khác, đây lại là sự vĩ đại đến nhường nào? Hơn nữa, sự hi sinh này lại không hề mong có được báo đáp. Nếu như đơn thuần, nói ở góc độ nhận một trả một thì vốn dĩ không thể kể hết được, thế nên mới nói không thù không thành cha con.
Câu nói này thực ra đã mượn tư tưởng của Phật Giáo. Phật Giáo có nói trong luân hồi nhân quả, nợ của kiếp trước để lại thì kiếp sau vẫn phải trả, thù kiếp trước kết lại thì kiếp sau vẫn phải hóa giải. Còn cha và con là cặp oan gia từ kiếp trước, kiếp này cần dùng hình thức này để bù đắp lại toàn bộ cho người kia, nghe có vẻ khá là bi ai. Nhưng đặt câu nói ấy vào trong xã hội hiện đại, chúng ta lại dễ hiểu hơn rất nhiều so với cách giải thích bên trên.
Con cái rất dễ cãi nhau với bố, khi con cái tới tuổi dậy thì là tuổi bắt đầu nổi loạn, trái tính trái nết, hay coi thường sự quản giáo của bố mình. Chúng luôn kiếm cớ do tuổi tác và thời thế khác nhau, làm ra đủ những chuyện ngược lại mong muốn của người lớn. Chắc hẳn mọi người cũng có từng đọc hoặc xem những tác phẩm văn học và điện ảnh, trong đó cha và con cái thường rất dễ trở mặt trở thành kẻ thù của nhau. Tuy rằng những tình tiết ấy rất lố và ngớ ngẩn, nhưng lại khá phổ biến trong cuộc sống hiện thực.
Vậy thế nào là: "Không hận không thành vợ chồng"?
Ảnh minh hoạ
Còn về câu nói: “Không hận không thành vợ chồng” thì lại có một cách giải thích khác, chính là cái mà người ta thường gọi là yêu càng nhiều thì hận càng sâu. Trong cuộc sống hiện thực ngày nay, rất nhiều các cặp đôi yêu nhau mỗi lần có mâu thuẫn cãi nhau thì quả thực là như long trời lở đất, đòi sống đòi chết. Nếu như cả hai đều là người ngang bướng, đều đợi chờ đối phương thừa nhận sai lầm trước, vậy thì mâu thuẫn sẽ ngày càng lớn, ai cũng nghĩ mình đang chịu khổ hơn đối phương, không muốn nhượng bộ, thế nên mới không có kết quả.
Trong xã hội tràn ngập áp lực cuộc sống hiện đại này, rất nhiều người đều không có được một tâm hồn lành mạnh, khi gặp phải sự thất bại trong tình cảm, họ thường khó khôi phục hơn người bình thường. Đôi khi, có nhiều người còn nghĩ không thông, tự dằn vặt chính mình và gây ra những bi kịch không đáng có. Thậm chí còn có người đi làm hại người khác để làm vơi đi nỗi đau của mình mà không nhận ra rằng chính điều đó lại làm họ tổn thương sâu hơn.
Trước kia từng có bài báo kể về một người con trai đến từ vùng nông thôn, khó khăn lắm mới thi được vào trường đại học danh tiếng, thế nhưng lại vì một cuộc tình thất bại mà kết thúc sinh mạng ngắn ngủi của mình khi còn trẻ. Người cha đẩy xe đẩy đưa thi thể của con trai về nhà, nhìn ngôi trường rộng lớn đau khổ nước mắt tuôn rơi nói: “Tôi đưa con tôi còn sống sờ sờ tới dây, vậy mà khi về lại là một thi thể…”. Người đầu bạc tiễn người đầu xanh, ai nghe cũng thấy bi ai, ai cũng phải rơi lệ chua xót.
“Không hận không thành vợ chồng”, có duyên rồi mới có hận, chỉ là duyên chưa đủ đậm, chưa thể ở bên nhau suốt đời được. Nhiều lúc, yêu từ cái nhìn đầu tiên không thể nào xảy ra được, chỉ gặp một lần khó mà có thể tạo ra được tia lửa, thế nên mới cần phải gặp lại nhiều lần. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, quen nhau, tìm hiểu nhau rồi mới yêu nhau, trở thành người yêu của nhau. Cả quãng đường đi không dễ dàng, giữa đường phải nếm nhiều đắng cay mặn chát, nóng hay lạnh đều chỉ mình mình biết.
Cuối cùng, đồng hành mới chính là lời tỏ tình chân thành nhất, có thể ở bên nhau giữa biển người mênh mông, nắm tay nhau đi hết quãng đời còn lại quả thực không dễ dàng chút nào. Con người chỉ sống một lần, cái gọi là kiếp sau chỉ là tự lừa mình lừa người mà thôi. Có thể trở thành cha con là may mắn lớn nhường nào, cho dù là nghèo khó hay giàu sang, có thể cùng nhau vượt qua mới là niềm vui lớn nhất, đừng để khi đánh mất rồi mới giơ tay ra níu kéo, lúc ấy đã quá muộn rồi. Mong tất cả mọi người chúng ta đều có thể trân trọng những gì mình đang có.
Hoàng Lê (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)