Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2024, TP HCM và Hà Nội là hai thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước. Trong đó, TP HCM ở vị trí dẫn đầu với quy mô 1,78 triệu tỷ đồng theo giá hiện hành. Hà Nội đứng thứ hai với 1,43 triệu tỷ đồng.
TP HCM có quy mô kinh tế lớn nhất năm 2024 (Ảnh minh họa)
Dịch vụ chiếm khoảng 65% cơ cấu kinh tế TP HCM, tăng khoảng 7%. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của thành phố cao hơn mức trung bình cả nước, khoảng 11%. Xuất khẩu cũng là mảng tích cực, với kim ngạch ước đạt 46 tỷ USD, trong đó 75% là nhóm hàng công nghiệp chế biến.
Tương tự, động lực tăng trưởng chính của Hà Nội tới từ khu vực dịch vụ, tăng 7,14% so với cùng kỳ, góp 4,72 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP. Đây cũng là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất, hơn 65,6% trong cơ cấu GRDP của Thủ đô. Còn lại là công nghiệp, xây dựng và nông nghiệp lần lượt chiếm 22,79% và 1,96%.
2024 là năm ghi nhận mức thu ngân sách kỷ lục của TP HCM và Hà Nội, trên 500.000 tỷ đồng. Mức này góp khoảng một nửa vào tổng thu ngân sách Nhà nước cả năm (hơn 2 triệu tỷ đồng).
Tuy nhiên, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) có sự trái ngược giữa hai đầu tàu kinh tế. Hà Nội có thêm khoảng 2,2 tỷ USD, tăng 30% so với năm trước đó. Trong khi, vốn ngoại rót vào TP HCM đạt 4,85 tỷ USD, giảm gần 19% so với cùng kỳ.
Nhóm 5 địa phương có quy mô GRDP lớn nhất còn có Bình Dương, Đồng Nai và Hải Phòng. Với GRDP 2024 đạt 520.205 tỷ đồng, Bình Dương giữ lợi thế từ các khu công nghiệp hiện đại, thu hút dự án công nghệ cao.
Quy mô GRDP của Đồng Nai 493.819 tỷ đồng. Địa phương này duy trì phong độ là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo và logistics quan trọng cả nước.
(Ảnh minh họa)
Lần đầu Hải Phòng lọt vào nhóm 5 địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất nước, với 445.995 tỷ đồng, sau chục năm duy trì tăng trưởng hai chữ số. Thành phố cảng cũng là địa phương duy nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương tăng trưởng trên 10%, với GRDP tăng 11,01% năm ngoái, đứng thứ 3 cả nước, dẫn đầu vùng đồng bằng sông Hồng.
Khác với Hà Nội và TP HCM, cả ba địa phương còn lại trong nhóm 5 địa phương quy mô kinh tế lớn nhất có động lực tăng trưởng chính đến từ khu vực sản xuất và xây dựng, chiếm 53-65% trong cơ cấu GRDP. Thu hút FDI của các địa phương này cũng tăng trưởng tích cực so với bình quân cả nước. Trong đó, Hải Phòng có thêm hơn 4,9 tỷ USD vốn ngoại, Bình Dương 1,9 tỷ USD và Đồng Nam 1,48 tỷ USD.
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)