Tỉnh, thành nào có cây cầu đi ngược chiều?
Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, được người Pháp xây dựng từ năm 1898 và hoàn thành năm 1902. Cầu dài 2.290 m và gần 900 m đường dẫn, gồm 19 nhịp dầm thép. Đường sắt chạy ở giữa, hai bên là đường dành cho xe cơ giới và người đi bộ. Cầu khác biệt do tổ chức lưu thông ngược chiều (đi trái phần đường) so với cầu đường thông thường tại Việt Nam.
Cầu Long Biên có thiết kế độc đáo, tồn tại qua thăng trầm của lịch sử.
Việt Nam có một cây cầu khác cũng đi ngược chiều là cầu Việt Trì bắc qua sông Lô ở tỉnh Phú Thọ. Cầu được Pháp xây dựng năm 1901, sau đó bị tàn phá bởi chiến tranh và từng được xây dựng lại vào năm 1956 và 1992. Dù xây dựng lại, cầu vẫn tổ chức cho đi ngược chiều.
Cầu Việt Trì bắc qua sông Lô ở tỉnh Phú Thọ.
Cầu vượt sông dài nhất Việt Nam là?
Với chiều dài hơn 5km nối liền thị xã Sơn Tây của Hà Nội với huyện Vĩnh Tường của tỉnh Vĩnh Phúc, cầu Vĩnh Thịnh bắc qua sông Hồng được mệnh danh là cây cầu vượt sông dài nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.
Công trình được đầu tư xây dựng nằm trên quốc lộ 2C được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt đầu tư với tổng mức đầu tư là 137 triệu USD, trong đó vốn vay ODA của Hàn Quốc là 100 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 37 triệu USD.
Cầu Vĩnh Thịnh khởi công từ cuối tháng 11/2011 và tới tháng 6/2014 dự án được chính thức khánh thành đưa vào hoạt động cho đến nay đã tròn 10 năm.
Cầu Vĩnh Thịnh được đưa vào sử dụng với mong muốn kết nối 2 trục trung tâm (Quốc lộ 32 và Quốc lộ 2), các tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường Hồ Chí Minh để tạo thành một hệ thống giao thông hoàn chỉnh, kết nối trung tâm Thủ đô với các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang.
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)