Nằm ở vùng Tây Bắc Việt Nam, Lai Châu là một tỉnh có diện tích tự nhiên lên tới 9.069km² (rộng gấp hơn 4 lần diện tích TP. HCM (2.095km2)), xếp thứ 10 trong số 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Lai Châu có số dân là 494.626 người tính đến ngày 1/4/2024, có vị trí địa lý chiến lược, phía Bắc và Tây Bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), phía Tây tiếp giáp Điện Biên, phía Đông giáp Lào Cai, phía Đông Nam giáp Yên Bái và phía Nam giáp Sơn La. Với đường biên giới dài 265km với Trung Quốc, tỉnh giữ vai trò quan trọng về an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế khu vực biên giới.
Địa hình Lai Châu chủ yếu là núi cao hiểm trở, với các dãy núi chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Đỉnh Pu Sa Leng cao 3.096m là một trong những ngọn núi cao nhất Việt Nam. Phía Đông tỉnh là dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, phía Tây có dãy núi Sông Mã, giữa hai dãy là lưu vực sông Đà với hệ thống cao nguyên đá vôi trải dài khoảng 400km từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Quan Sơn, Quan Hóa (Thanh Hóa). Tỉnh có mạng lưới sông suối dày đặc, địa hình đồi núi dốc xen kẽ với thung lũng hẹp, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thủy điện với nguồn nước dồi dào và lưu lượng lớn.
Khí hậu Lai Châu mang đặc trưng nhiệt đới gió mùa, với sự phân chia rõ rệt giữa hai mùa: mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9, thời tiết nóng ẩm và lượng mưa lớn; mùa khô diễn ra từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, khí hậu lạnh, độ ẩm thấp và ít mưa. Nhiệt độ trung bình năm dao động từ 21°C-23°C, lượng mưa trung bình khoảng 2.500-2.700mm/năm, nhưng phân bố không đồng đều. Gió chủ yếu theo hướng Tây và Đông Nam, tỉnh ít chịu ảnh hưởng từ bão và gió mùa Đông Bắc, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch.
Với diện tích thuộc nhóm lớn nhất cả nước, Lai Châu không chỉ có tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên mà còn giữ vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế và bảo vệ biên giới quốc gia.
Tỉnh có dân số ít thứ hai cả nước, nhiều lần thay đổi địa giới hành chính
Dân số Lai Châu là 494.626 người tính đến ngày 1/4/2024 theo kết quả điều tra dân số giữa kỳ năm 2024, đứng thứ 62 cả nước. Tỉnh Lai Châu ngày nay đã từng trải qua nhiều lần thay đổi địa giới hành chính quan trọng trong lịch sử.
Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử tỉnh, tỉnh Lai Châu (cũ) nằm ở phía tây bắc Việt Nam, tỉnh lỵ ở thị xã Điện Biên Phủ, cách Thủ đô Hà Nội 502km theo quốc lộ số 6. Lai Châu phía đông bắc giáp Lào Cai, phía đông nam giáp Sơn La, phía tây nam và tây bắc giáp hai tỉnh Luông Pha băng và Phong Sa Lỳ của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, phía bắc giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Lai Châu là địa bàn có con người đến cư trú rất sớm. Cách đây 116 năm, năm 1909, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Lai Châu gồm: Đạo Lai (châu Lai, châu Quỳnh Nhai và phủ Luân Châu) và châu Điện Biên với phủ Tuần Giáo, dân số khoảng 4 vạn người. Đây là dấu mốc lịch sử đánh dấu danh xưng Lai Châu gắn liền với cấp độ một đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Năm 1948, Lai Châu và Sơn La hợp nhất thành tỉnh Sơn Lai. Ngày 12/1/1952, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 145-TTg tái lập lại hai tỉnh này.
Để củng cố căn cứ địa Tây Bắc mới giải phóng, năm 1953 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Khu Tây Bắc gồm các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu tách khỏi Liên khu Việt Bắc. Đồng thời, chuyển huyện Thuận Châu từ tỉnh Sơn La sang tỉnh Lai Châu.
Đến ngày 7/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, Lai Châu được giải phóng, hòa bình được lập lại trên miền Bắc nước ta.
Tám năm sau, vào năm 1962, thành lập lại ba tỉnh trong khu là: Lai Châu, Nghĩa Lộ và Sơn La. Tỉnh Lai Châu lúc đó gồm 7 huyện: Điện Biên, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Tè, Mường Lay, Phong Thổ, Sình Hồ và thị trấn Lai Châu.
Kể từ ngày 1/1/2004, tỉnh Lai Châu (cũ) được chia thành tỉnh Lai Châu ngày nay và tỉnh Điện Biên.
Tỉnh Lai Châu (mới) được thành lập trên cơ sở 4 huyện của tỉnh Lai Châu (cũ) gồm: Mường Tè, Sìn Hồ, Tam Đường, Phong Thổ và sáp nhập thêm huyện Than Uyên, tỉnh Lào Cai.
Sau đó, Lai Châu còn trải qua 2 lần sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện và cấp xã vào năm 2008 và 2012. Đến năm 2013, Chính phủ ra Nghị quyết số 131/NQ-CP về việc thành lập thành phố Lai Châu thuộc tỉnh Lai Châu. Sau khi thành lập thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu có 8 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: Thành phố Lai Châu và các huyện: Tam Đường, Phong Thổ, Tân Uyên, Than Uyên, Sìn Hồ, Mường Tè, Nậm Nhùn.
K.Hoàng (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)