Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An, quyết định hợp nhất hai tỉnh được thông qua tại Nghị quyết của Quốc hội khóa V ngày 24/12/1975, thể hiện mong muốn thống nhất và phát triển sau khi đất nước vừa trải qua cuộc chiến tranh. Năm 1976, bộ máy hành chính của hai tỉnh được hợp nhất, đánh dấu sự ra đời chính thức của tỉnh Nghệ Tĩnh.
Tuy nhiên, sau 15 năm tồn tại, đến ngày 12/8/1991, Quốc hội khóa VIII đã thông qua Nghị quyết tách tỉnh Nghệ Tĩnh, tái lập hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Sự thay đổi này xuất phát từ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, đòi hỏi sự quản lý và điều hành phù hợp với đặc thù riêng của mỗi tỉnh.
Tỉnh Nghệ Tĩnh từng được hình thành sau khi sáp nhập tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh
Mặc dù sự hợp nhất chỉ kéo dài trong thời gian ngắn, nhưng Nghệ Tĩnh đã góp phần củng cố mối quan hệ gắn bó giữa hai địa phương, vốn có chung một cội nguồn văn hóa đặc trưng, được gọi là văn hóa Lam Hồng. Biểu tượng của văn hóa này chính là hình ảnh núi Hồng - sông Lam, hai địa danh mang đậm dấu ấn lịch sử và tâm linh trong đời sống của người dân.
Sông Lam, dòng sông bắt nguồn từ Lào, chảy qua Nghệ An và Hà Tĩnh, trước khi đổ ra vịnh Bắc Bộ. Với tổng chiều dài khoảng 520km, trong đó 360km chảy qua Việt Nam, sông Lam không chỉ là nguồn nước tưới tiêu, bồi đắp phù sa cho những cánh đồng lúa, mà còn là chứng nhân cho những thăng trầm của lịch sử.
Núi Hồng (Hồng Lĩnh), ngọn núi nổi tiếng nhất xứ Nghệ, nằm giữa thị xã Hồng Lĩnh và hai huyện Nghi Xuân, Can Lộc (Hà Tĩnh). Với hình dáng tựa như một con chim hồng xòe cánh, núi Hồng không chỉ là một danh thắng tự nhiên mà còn là nơi lưu giữ nhiều huyền thoại và di sản văn hóa của người dân địa phương.
Ngày nay, sự kết nối giữa Nghệ An và Hà Tĩnh được thể hiện qua 5 cây cầu bắc qua sông Lam: Bến Thủy I, Bến Thủy II, Yên Xuân, Cửa Hội và Hưng Đức. Mỗi cây cầu mang một ý nghĩa riêng, góp phần thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế và tăng cường sự gắn kết giữa hai tỉnh. Trong đó, cầu Bến Thủy I là cây cầu đường bộ đầu tiên bắc qua sông Lam, cầu Cửa Hội dài 5,2km là một công trình hiện đại, và cầu Hưng Đức mới được đưa vào khai thác từ ngày 30/6/2024, được xem là cầu vượt sông dài nhất trên tuyến cao tốc Bắc - Nam.
Bên cạnh đó, di sản văn hóa phi vật thể dân ca Ví, Giặm là một minh chứng rõ nét cho sự gắn kết giữa Nghệ An và Hà Tĩnh. Được UNESCO vinh danh vào năm 2014, Ví, Giặm không chỉ là một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo mà còn là tiếng nói của tâm hồn người dân xứ Nghệ, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, ca ngợi những giá trị nhân văn cao đẹp. Với sự kết hợp giữa ngôn ngữ trau chuốt và khẩu ngữ địa phương, Ví, Giặm đã trở thành một biểu tượng văn hóa đặc sắc của vùng đất Nghệ An - Hà Tĩnh.
Mặc dù tỉnh Nghệ Tĩnh không còn tồn tại trên bản đồ hành chính, nhưng ký ức về một tỉnh thống nhất và những giá trị văn hóa Lam Hồng vẫn còn sống mãi trong lòng người dân Nghệ An và Hà Tĩnh. Sự gắn bó về địa lý, lịch sử và văn hóa đã tạo nên một mối quan hệ bền chặt, không thể tách rời giữa hai địa phương, tiếp tục cùng nhau phát triển và đóng góp vào sự phồn vinh của đất nước.
Thu Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)