Năm 1951, theo chủ trương của Trung ương Cục và Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ, Nghị định 174/NB-51 ngày 27/6/1951 đã sáp nhập 20 tỉnh Nam Bộ thành 11 tỉnh, trong đó Vĩnh Long và Trà Vinh hợp nhất thành tỉnh Vĩnh Trà.
Vĩnh Long và Trà Vinh từng hợp nhất thành tỉnh Vĩnh Trà
Đến năm 1975, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 245-NQ/TW về việc bỏ khu hợp tỉnh và Nghị quyết 19/NQ về việc điều chỉnh hợp nhất một số tỉnh ở miền Nam Việt Nam. Thực hiện các nghị quyết này, tháng 2/1976, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ban hành nghị định về việc giải thể khu và hợp nhất tỉnh ở miền Nam, giảm số đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương xuống còn 21. Theo đó, Vĩnh Long và Trà Vinh tiếp tục được sáp nhập, lần này thành tỉnh Cửu Long.
Tuy nhiên, đến ngày 26/12/1991, Quốc hội khóa VIII đã thông qua nghị quyết chia tỉnh Cửu Long để tái lập hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh. Tỉnh Trà Vinh được tái lập bao gồm thị xã Trà Vinh và 7 huyện: Càng Long, Cầu Kè, Cầu Ngang, Châu Thành, Duyên Hải, Tiểu Cần, Trà Cú. Tỉnh Vĩnh Long được tái lập bao gồm thị xã Vĩnh Long và 5 huyện: Bình Minh, Long Hồ, Tam Bình, Trà Ôn, Vũng Liêm.
Ngoài những thay đổi về mặt hành chính, Vĩnh Long còn được biết đến là một trong những vùng trồng bưởi năm roi lớn nhất Việt Nam. Với diện tích lên đến 8.500 ha, sản lượng hàng năm đạt gần 82.000 tấn, Vĩnh Long nổi tiếng với các giống bưởi ngon như bưởi năm roi, da xanh (ruột đỏ), bưởi lông. Riêng vùng bưởi năm roi Bình Minh có diện tích gần 2.000 ha, sản lượng đạt khoảng 23.000 tấn/năm, đóng góp quan trọng vào kinh tế địa phương.
Cả Vĩnh Long và Trà Vinh đều có vị trí địa lý quan trọng, nằm ven sông Mê Kông. Con sông này chảy qua 9 tỉnh thành ở miền Tây Nam Bộ, bao gồm cả An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Cần Thơ, Hậu Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng, mang lại nguồn nước và phù sa dồi dào, đóng vai trò quan trọng trong nông nghiệp và đời sống của người dân. Sông Mê Kông không chỉ là một dòng sông, mà còn là một tài sản vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho các quốc gia trong lưu vực.
Tuấn Nguyễn (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)