Thông thường, quy mô dân số bị quy định bởi tỷ suất sinh, tỉ suất tử và sự di cư trong quá khứ và hiện tại. Sự bùng nổ dân số có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng và mức sống. Tuy nhiên, chiến lược phát triển kinh tế đúng đắn có thể làm giảm, thậm chí loại trừ tác động tiêu cực.
Ở Việt Nam, Theo Tổng cục Thống kê, dân số trung bình năm 2023 đạt 100,3 triệu người. Tuổi thọ trung bình của người dân nước ta năm 2023 là 73,7 tuổi. Trong đó, tỉnh nào là có mức độ tăng dân số cao nhất?
Câu trả lời là tỉnh Bình Dương thuộc Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Diện tích của tỉnh này đạt gần 2.700 km2, dân số 2,76 triệu người tính đến năm 2022.
Theo Niên giám thống kê năm 2022, tỉnh Bình Dương có tỷ lệ tăng dân số là 6,41%, nhiều nhất cả nước, cao hơn hai lần mức 2,74% của Đồng Nai, tỉnh ở vị trí thứ hai. Một số địa phương có tỷ lệ tăng dân số trên 2% là TP.HCM, Đà Nẵng, Nam Định... Trong khi đó, nhiều tỉnh tăng trưởng âm, chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long như Vĩnh Long, An Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp...
Dân số Bình Dương phân bố không đều, tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn như thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Thuận An, thị xã Dĩ An, thị xã Tân Uyên. Thành thị chiếm 84,6% dân số toàn tỉnh, nông thôn chiếm 15,4%.
Dân số Bình Dương có cơ cấu dân số trẻ, với tỷ lệ người trong độ tuổi lao động (từ 15-64 tuổi) chiếm 70,5%. Đây là lực lượng lao động dồi dào, tạo nguồn nhân lực quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Dân số Bình Dương có sự đa dạng về dân tộc, tôn giáo. Dân tộc Kinh chiếm đa số (96,4%), các dân tộc thiểu số khác như Hoa, Khmer, Chăm,… chiếm 3,6%. Tôn giáo chủ yếu ở Bình Dương là Phật giáo (chiếm 62,5%), tiếp theo là Công giáo (chiếm 27,2%) và các tôn giáo khác.
Hiện tại, Bình Dương là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước, đạt 8,29 triệu đồng/người/tháng. Con số này cũng gấp 1,7 lần thu nhập bình quân đầu người của cả nước.
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)