Trong số nhiều tỉnh thành của Việt Nam, sự phân bổ số lượng thành phố có một mô hình độc đáo. Khi chúng ta xem xét các đô thị, thành phố trực thuộc tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh Bình Dương dẫn đầu với 5 thành phố, trong đó các đô thị này tạo thành khung cảnh thịnh vượng của tỉnh Bình Dương hiện tại.
Theo Nghị quyết thông qua vào tháng 3/2024, tỉnh Bình Dương sẽ thành lập thêm thành phố Bến Cát. Như vậy, Bình Dương trở thành tỉnh có nhiều thành phố nhất cả nước hiện nay với 5 thành phố trực thuộc tỉnh là: Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên và Bến Cát.
Thành phố Bến Cát trước đây là thị xã nằm tại trung tâm tỉnh Bình Dương, thuộc khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, cách TP.HCM chỉ 50km. Diện tích thành phố đạt 234km2, dân số khoảng 364.000 người theo thống kê cuối 2022.
Nghiên cứu cho thấy địa chất của thành phố mới Bến Cát phù hợp để xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp đồ sộ. Ngoài ra, khu vực này địa hình cao trên 2m so với mực nước biển, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, phát triển, đặc biệt trong bối cảnh miền Nam có nguy cơ chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Thành phố Bến Cát còn có 2 con sông lớn chảy qua gồm sông Sài Gòn và Thị Tính, giúp giao thương đường thủy thuận lợi. Hồ Dầu Tiếng xây dựng ở thượng nguồn sông Sài Gòn cũng ảnh hưởng lớn tới chế độ thủy văn của thành phố và toàn tỉnh Bình Dương.
Tỉnh Bình Dương thuộc miền Đông Nam Bộ - Việt Nam, Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tổng diện tích của tỉnh là 2694,4km2, có tọa độ địa lý là 10o51’46″B - 11o30’B, 106o20′ Đ - 106o58’Đ.
Phía bắc của tỉnh giáp Bình Phước, phía nam giáp TP Hồ Chí Minh, phía đông giáp Đồng Nai, phía tây giáp Tây Ninh và Sài Gòn. Tỉnh Bình Dương là cửa ngõ giao thương với Sài Gòn, các trung tâm kinh tế - văn hóa của cả nước.
Tỉnh có các trục giao thông huyết mạch của quốc gia chạy qua như quốc lộ 13, 14, đường Hồ Chí Minh, đường xuyên Á… Bình Dương cách sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất với các cảng biển khoảng 10 - 15km. Đây chính là điều kiện thuận lợi giúp cho tỉnh phát triển kinh tế xã hội một cách toàn diện về mọi mặt, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, công nghệ cao.
Tính đến năm 2021 toàn tỉnh Bình Dương có 2.627.195 người, mật độ dân số 911 người/km2. Trong đó dân số thành thị chiếm 79,87% dân số sống tại nông thôn chiếm 20,13%. Tỉnh có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất trong cả nước. Trên địa bàn tỉnh Bình Dương có khoảng 15 dân tộc cùng sinh sống, chủ yếu là người kinh. Tiếp theo đó là người Hoa, người Khmer… Tỉnh có tỷ lệ dân nhập cư đến làm ăn đông nhất trong cả nước.
Hiện nay, tỉnh Bình Dương là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu cả nước. Việc sở hữu đến 2 đô thị vệ tinh gồm thành phố Dĩ An và Thuận An được xem là đòn bẩy thúc đẩy nhanh tốc độ phát triển hạ tầng và kinh tế tại tỉnh này. Ngoài ra, tỉnh Bình Dương cũng là một trong những khu vực thuộc danh sách đô thị thông minh của ICF, cho thấy khả năng phát triển và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.
Bình Dương còn nổi tiếng với các danh lam, thắng cảnh, các khu du lịch, các lễ hội truyền thống như vườn trái cây Lái Thiêu, khu du lịch Núi Cậu - Lòng hồ Dầu Tiếng, khu du lịch Lạc cảnh Đại Nam Văn hiến, lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu… Về ẩm thực, Bình Dương nổi tiếng với nhiều món ăn đặc sản nổi tiếng như: bánh bèo bì, bánh khọt, nem Lái Thiêu, gà quay xôi phồng, gỏi gà măng cụt, gỏi ngó lục bình trộn tôm thịt, cháo môn lươn, bò nướng ngói, lẩu bò nhúng mắm ruốc, bún tôm… Đặc biệt, thương hiệu Bánh bèo Mỹ Liên ở chợ Búng (thành phố Thuận An) với lịch sử hơn 100 năm được công nhận là 1 trong 10 đặc sản Việt Nam đạt giá trị ẩm thực châu Á.
Hoàng Lê (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)