Theo đề án, cấp huyện - cấp trung gian - sẽ bị bãi bỏ. Đồng thời, các mô hình thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, thị xã, quận, huyện và thị trấn hiện tại cũng sẽ không còn tồn tại. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất giảm số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh từ 63 xuống còn 34, bao gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong bối cảnh tái cấu trúc hành chính, một câu hỏi được đặt ra là tỉnh nào sẽ sở hữu sự đa dạng sắc tộc lớn nhất cả nước? Câu trả lời là Đắk Lắk, tỉnh nằm ở khu vực Tây Nguyên với diện tích hơn 13.000 km2 và dân số 1,93 triệu người. Theo số liệu thống kê, Đắk Lắk hiện là nơi sinh sống của 49 dân tộc khác nhau, tạo nên một bức tranh văn hóa vô cùng phong phú và đặc sắc.
Sau khi dự kiến sáp nhập, tỉnh Đắk Lắk có số dân tộc nhiều nhất cả nước (Ảnh minh hoạ)
Người Kinh chiếm khoảng 70% dân số Đắk Lắk, tiếp theo là người Êđê (18%), người Nùng (4%), người Tày (hơn 2%) và người Mông (hơn 2,1%). Sự đa dạng này đã biến Đắk Lắk thành một "cái nôi" của nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc của đồng bào Êđê, M'nông, Gia Rai, như lễ hội cồng chiêng, lễ đâm trâu, đua voi mùa xuân. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, trong đó có Đắk Lắk, đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Từ ngày 20-22/4, tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành lấy ý kiến cử tri về việc sáp nhập tỉnh và chính quyền cấp xã. Theo đó, các cán bộ xã, phường, thôn, buôn đã phát phiếu khảo sát cho người dân về phương án sáp nhập tỉnh Phú Yên với Đắk Lắk, lấy tên tỉnh Đắk Lắk.
Theo đó, sau khi hợp nhất, Đắk Lắk mới sẽ trở thành tỉnh lớn thứ 3 cả nước và có 101 đơn vị hành chính trực thuộc. Trong số 101 đơn vị này, có 67 đơn vị thuộc tỉnh Đắk Lắk hiện tại và 34 đơn vị từ tỉnh Phú Yên. Trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Đắk Lắk mới sẽ được giữ nguyên như của tỉnh Đắk Lắk hiện tại.
T.Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)