Cảng hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) là dự án trọng điểm quốc gia với tổng mức đầu tư hơn 336.000 tỷ đồng (tương đương 16 tỷ USD, theo tỷ giá khi được Quốc hội phê duyệt năm 2013). Đây sẽ là sân bay lớn nhất nước ta trong tương lai với diện tích gần 54 km2. Công suất phục vụ lên đến 100 triệu hành khách/năm, tương đương dân số Việt Nam.
Sân bay Long Thành, chia làm 3 giai đoạn. Ở giai đoạn đầu, dự án sẽ xây một đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu khách một năm, dự kiến hoàn thành năm 2025. Trên ảnh là hình bông sen của sân bay Long Thành trên bản thiết kế đã dần thành hình.
Giai đoạn 2, sân bay Long Thành sẽ được xây thêm một đường cất hạ cánh và nhà ga đáp ứng công suất 50 triệu khách một năm, hoàn thành năm 2035. Các hạng mục còn lại hoàn thành trong giai đoạn 3 để công trình đạt công suất 100 triệu khách/năm.
Phối cảnh sân bay quốc tế Long Thành
Là một tỉnh nằm trong vùng phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng Nai tiếp giáp với các vùng sau: Phía Đông giáp tỉnh Bình Thuận, Phía Đông Bắc giáp tỉnh Lâm Đồng, Phía Tây giáp Thành phố Hồ Chí Minh, Phía Tây Bắc giáp tỉnh Bình Dương và Bình Phước, Phía Nam giáp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đồng Nai là tỉnh có hệ thống giao thông thuận tiện với nhiều tuyến giao thông huyết mạch chạy qua như: quốc lộ 1A, quốc lộ 20, quốc lộ 51; tuyến đường sắt Bắc - Nam; gần cảng Sài Gòn, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh tế trong vùng cũng như giao thương với cả nước đồng thời có vai trò gắn kết vùng Đông Nam Bộ với Tây Nguyên.
Năm 2019, dân số Đồng Nai đạt 3.097.107 người. Mật độ dân số đạt 516.3 người/km². Dân số thành thị chiếm 48.4%, dân số nông thôn chiếm 51.6% cũng là tỉnh có dân số đông thứ 2 ở miền Nam (sau Thành phố Hồ Chí Minh). Biên Hòa là thành phố trực thuộc tỉnh có dân số đông nhất cả nước, với quy mô dân số tương đương với 2 thành phố trực thuộc trung ương là Đà Nẵng và Cần Thơ. Dân cư tập trung phần lớn ở Biên Hòa với hơn 1 triệu dân và ở 2 huyện Trảng Bom, Long Thành.
TP. Biên Hòa
Đồng Nai là một trong những tỉnh phát triển công nghiệp hàng đầu của cả nước với 35 khu công nghiệp được quy hoạch với diện tích trên 12.055 ha, trong đó có 32 khu công nghiệp đã xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ và thu hút được trên 84% diện tích đất cho thuê. Phần diện tích đất dành cho thuê còn lại trong các khu công nghiệp đang sẵn sàng đón nhận các nhà đầu tư.
Đến nay, đã có trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh Đồng Nai với trên 1.545 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư trên 31 tỷ USD.
Bên cạnh tiềm năng phát triển về công nghiệp, nông nghiệp, Đồng Nai còn là vùng đất giàu truyền thống văn hóa - nhân văn; có nhiều cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ như: Vườn quốc gia Cát Tiên, núi Chứa Chan, sông Đồng Nai, hồ Trị An, Thác Mai - Bàu nước sôi, 57 di tích được công nhận cấp quốc gia, cấp tỉnh và 1500 di tích phổ thông khác… Là điều kiện rất lý tưởng cho các nhà đầu tư phát triển nhiều loại hình du lịch như: sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí, nghiên cứu, khám phá, văn hóa… Đây là một thế mạnh của Đồng Nai so với các địa phương khác trong việc thu hút các nhà đầu tư du lịch.
Ngoài ra, Đồng Nai đang phát triển nhanh các dự án nhà ở, khách sạn, bệnh viện, trường học, các dịch vụ tài chính ngân hàng, các dịch vụ vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, siêu thị, sân golf … đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nhà đầu tư.
Hoàng Mai (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)