Tỉnh có nhiều thị trấn nhất cả nước là Thanh Hóa với 32 thị trấn. Tổng diện tích tự nhiên của 32 thị trấn chiếm xấp xỉ 7,35% toàn tỉnh Thanh Hóa. Tổng dân số của 32 thị trấn là 416.224 người vào năm 2022, chiếm 9,55% dân số toàn tỉnh.
Tỉnh có nhiều thị trấn nhất Việt Nam là Thanh Hóa. (Ảnh minh họa)
Các thị trấn chia thành 425 tổ chức tự quản, bao gồm 111 tổ dân phố, 259 khu phố, 36 tiểu khu và 19 thôn. Tất cả các huyện trong tỉnh đều có thị trấn; phần lớn mỗi huyện chỉ có 1 thị trấn duy nhất đóng vai trò huyện lỵ, 6 huyện có nhiều thị trấn là: Yên Định (4 thị trấn), Hà Trung, Thọ Xuân (mỗi huyện có 3 thị trấn), Thạch Thành, Thiệu Hóa, Triệu Sơn (mỗi huyện có 2 thị trấn). Đa số các thị trấn là đô thị loại V.
Đầu thập niên 1950, do tình hình chiến tranh khiến thị xã Thanh Hóa phải giải tán, dân cư di tản và tụ họp thành các thị trấn đặc biệt Cầu Bố, thị trấn đặc biệt Thanh Hóa trước khi khôi phục thị xã. Từ năm 1963 đến năm 1982, tồn tại các thị trấn Sầm Sơn, Bỉm Sơn đặt dưới sự quản lý trực tiếp của tỉnh; sau đó giải thể để hình thành các thị xã có tên tương ứng.
Thanh Hóa phát triển lớn mạnh từng ngày. (Ảnh minh họa)
Giai đoạn 1966–1969 là khoảng thời gian thành lập các thị trấn nông trường; tính đến năm 2009 thì đã giải thể tất cả các thị trấn nông trường để thành lập đơn vị hành chính mới hoặc sắp xếp dân cư, đất đai về các địa phương lân cận. Phần lớn các thị trấn huyện lỵ được thành lập vào cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990.
Trong đợt sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính tại Việt Nam 2019–2021, hầu hết các thị trấn mở rộng địa giới hành chính, một số thị trấn huyện lỵ có tên gọi mới được hình thành.
Đà Nẵng là địa phương duy nhất trên cả nước không có thị trấn. (Ảnh minh họa)
Ngược lại với Thanh Hóa, Đà Nẵng là địa phương duy nhất trên cả nước không có thị trấn. Đà Nẵng hiện có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 6 quận: Hải Châu, Cẩm Lệ, Thanh Khê, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà và 2 huyện Hòa Vang, huyện đảo Hoàng Sa.
Theo quyết định phê duyệt quy hoạch Thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Hòa Vang sẽ sớm đạt tiêu chí đô thị loại IV, đủ điều kiện trở thành thị xã trực thuộc Thành phố Đà Nẵng. Trung tâm hành chính thị xã Hòa Vang dự kiến đặt tại xã Hòa Phong.
Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)