Hà Nam Ninh là một tỉnh cũ của Việt Nam, được thành lập năm 1975, trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh Nam Hà (hiện nay là Hà Nam và Nam Định) và Ninh Bình. Diện tích toàn tỉnh vào năm 1979 khoảng 3.500km2 với dân số là 2,7 triệu người, có tỉnh lỵ là thành phố Nam Định cùng 3 thị xã trực thuộc là thị xã Hà Nam, thị xã Ninh Bình và thị xã Tam Điệp.
Sau 16 năm sáp nhập, đến năm 1991, tỉnh Hà Nam Ninh được tách ra thành tỉnh Nam Hà và Ninh Bình như trước. 5 năm sau, tỉnh Nam Hà được tách ra thành tỉnh Hà Nam và Nam Định như hiện nay.
TP. Nam Định
Nam Định là tỉnh ven biển phía đông nam đồng bằng châu thổ Sông Hồng, tọa độ địa lý từ 19 độ 55 phút đến 20 độ 16 phút vĩ độ bắc và 106 độ đến 106 độ 33 phút kinh độ đông. Phía đông giáp tỉnh Thái Bình, phía tây giáp tỉnh Ninh Bình, phía nam và đông nam giáp biển Đông, phía bắc giáp tỉnh Hà Nam.
Nam Định có nhiều điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Đường sắt xuyên Việt đi qua tỉnh dài 42km với năm ga, rất thuật lợi cho việc vận chuyển hành khách và hàng hóa. Đường bộ có: Quốc lộ 10, quốc lộ 21 dài 108km đã được nâng cấp, mở rộng. Hệ thống sông Hồng, sông Đào, sông Đáy, sông Ninh Cơ chảy qua địa bàn tỉnh với tổng chiều dài 251km cùng hệ thống cảng sông Nam Định, cảng biển Thịnh Long rất thuận cho việc phát triển vận tải hàng hóa, giao lưu KT-XH.
Nằm trong vùng ảnh hưởng của khu vực tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, cách thủ đô Hà Nội 90km, cách cảng Hải Phòng 100km, đó là các trọng điểm kinh tế lớn trong giao lưu, tiêu thụ hàng hóa, trao đổi kỹ thuật, công nghệ, thông tin và kinh nghiệm quản lý kinh doanh.
Diện tích tự nhiên Nam Định là 1.637,4km2, bằng khoảng 0,5% diện tích tự nhiên cả nước. Dân số Nam Định là 1.826.300 người (theo Tổng cục Thống kê, Niên giám thống kê 2009), bằng khoảng 2,47% dân số cả nước, mật độ dân số là 1105người/km2.
Hiện nay tỉnh Nam Định gồm 10 đơn vị hành chính với 1 thành phố và 9 huyện, đó là thành phố Nam Định, các huyện Mỹ Lộc, Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Ý Yên, Vụ Bản.
Nam Định cách Hà Nội khoảng 100 km. Cung đường từ Hà Nội về Nam Định đẹp, thuận lợi và hiện đại, nên du khách có thể đi bằng tàu hỏa, ô tô hay xe gắn máy. Nam định là một vùng đất giàu bản sắc văn hóa với nhiều lễ hội truyền thống. Nam Định hiện có gần 4.000 di tích lịch sử văn hóa. Nhiều di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc tiêu biểu như: Phủ Dầy, chùa Cổ Lễ, chùa Keo Hành Thiện, cầu Ngói, chùa Lương, cột cờ Nam Định. Ngoài ra, còn có các di tích lịch sử văn hóa gắn với các danh nhân như: Trạng Nguyên Nguyễn Hiền, Trạng lường Lương Thế Vinh, nhà thơ Tú Xương, nhà lưu niệm Nguyễn Bính, khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh… Cùng với các di tích lịch sử văn hóa, Nam Định còn có trên 70 làng nghề với các ngành nghề và sản phẩm truyền thống như nghề chạm khảm gỗ, sơn mài, đúc đồng, mây tre đan, trồng cây cảnh. Nam Định còn bảo tồn được những di sản văn hóa, tiêu biểu gắn với hơn 100 lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm, nhiều lễ hội với nét độc đáo riêng, có sức hút du khách gần xa về dự hội như: Lễ hội Phủ Dầy, lễ hội Đền Trần, lễ khai ấn đầu năm, hội chợ Viềng…
Nam Định có 72 km bờ biển với những bãi biển được khai thác, xây dựng thành các khu du lịch biển hấp dẫn như Thịnh Long , huyện Hải Hậu, Quất Lâm, huyện Giao Thuỷ. Đặc biệt, Vườn quốc gia Xuân Thủy với hệ sinh thái rừng ngập mặn, nơi dừng chân của các loài chim di trú là điểm Ramsar quốc tế đầu tiên của Việt nam và khu vực Đông Nam Á cũng là điểm đến được du khách yêu thích.
Đến với Nam Định, du khách đến với vùng văn hoá ẩm thực đặc trưng với những món ăn, những đặc sản nổi tiếng làm nên thương hiệu cho vùng đất Thành Nam như phở Nam Định, bánh cuốn làng Kênh, bánh gai bà Thi, Kẹo lạc Sìu Châu, nem nắm Giao Thuỷ, gạo tám xoan Xuân Đài, huyện Xuân Trường… Nam Định còn nhiều điều thú vị đang chờ đón du khách đến trải nghiệm.
Hoàng Mai (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)