Tỉnh Mường từng là tên gọi cũ của tỉnh Hòa Bình
Tỉnh Hòa Bình có diện tích 4.596,4km2 với dân số 854.131 người, từng có tên gọi là tỉnh Mường. Nơi đây từng được tách ra từ phần đất có người Mường cư trú ở các tỉnh lân cận như tỉnh Hưng Hóa, Sơn Tây (cũ), Hà Nội và Ninh Bình.
Tỉnh Hòa Bình được thành lập dưới thời Pháp thuộc vào năm 1886 theo nghị định của Kinh lược Bắc Kỳ với tên gọi là tỉnh Mường.
Đến năm 1896, tỉnh lỵ di chuyển từ thị trấn Chợ Bờ (thuộc Châu Đà Bắc) về đóng tại xã Hòa Bình, phía bờ trái Sông Đà, đối diện Phương Lâm. Thời điểm mới thành lập, tỉnh Hòa Bình có 4 châu gồm: Lương Sơn, Kỳ Sơn, Lạc Sơn và Mai Đà.
Trong đó, huyện Lạc Thủy lúc này thuộc châu Lạc Sơn, đến năm 1908 chuyển về tỉnh Hà Nam. Tháng 5/1953, huyện Lạc Thủy cùng một số xã thuộc huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình chuyển về tỉnh Hòa Bình.
Sau năm 1950, các châu được đổi thành huyện và các đơn vị hành chính huyện của tỉnh Hòa Bình có sự thay đổi.
Năm 1956, huyện Mai Đà tách thành 2 huyện, Đà Bắc ở phía bắc sông Đà và Mai Châu ở phía nam sông Đà.
Hòa Bình từng có tên gọi là tỉnh Mường.
Năm 1957, huyện Lạc Sơn được chia tách thành hai huyện: Lạc Sơn và Tân Lạc. Hai năm sau, vào năm 1959, huyện Lương Sơn cũng được tách thành Lương Sơn và Kim Bôi. Đến năm 1964, huyện Lạc Thủy tiếp tục được chia thành Lạc Thủy và Yên Thủy.
Năm 1976, tỉnh Hòa Bình hợp nhất với tỉnh Hà Tây để thành lập tỉnh mới mang tên Hà Sơn Bình. Tuy nhiên, đến năm 1991, theo Nghị quyết của Quốc hội, tỉnh Hà Sơn Bình lại được tách thành hai tỉnh độc lập: Hòa Bình và Hà Tây.
Thời điểm tái lập tỉnh, Hòa Bình có diện tích 4.662km², dân số 686.920 người, gồm 9 huyện: Đà Bắc, Mai Châu, Lương Sơn, Kỳ Sơn, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Kim Bôi, Tân Lạc, Yên Thủy và thị xã Hòa Bình.
Tháng 12/2001, theo Nghị định của Chính phủ, huyện Kỳ Sơn được chia thành Kỳ Sơn và Cao Phong, nâng tổng số đơn vị hành chính của tỉnh Hòa Bình lên 10 huyện, 1 thị xã, với 214 xã, phường, thị trấn.
Ngày 27/10/2006, thị xã Hòa Bình được công nhận là đô thị loại III và đổi tên thành thành phố Hòa Bình. Đến năm 2020, huyện Kỳ Sơn được sáp nhập vào thành phố Hòa Bình, khiến số đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh giảm còn 10 đơn vị, duy trì ổn định cho đến nay.
Nơi từng có thủy điện lớn nhất Đông Nam Á
Nói đến Hòa Bình là nhắc đến công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình trên dòng sông Đà hùng vĩ. Công trình nhà máy thủy điện này từng lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á từ năm 1994 đến 2012, sau đó bị phá vỡ kỷ lục bởi Nhà máy thủy điện Sơn La (tỉnh Sơn La).
Tỉnh Hòa Bình nằm trong diện có khả năng sáp nhập
Trong những năm vừa qua, tỉnh Hòa Bình có sự phát triển đồng bộ, chuyển dịch cơ cấu từ nông, lâm nghiệp sang công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và du lịch.
Hòa Bình đã tiến hành quy hoạch và phát triển các khu, cụm công nghiệp ở huyện Lương sơn, TP. Hòa Bình; phát triển du lịch ở lòng hồ Hòa Bình thuộc các huyện Cao Phong, Mai Châu...
Hòa Bình cũng là tỉnh sở hữu hồ thủy điện nhân tạo lớn nhất Việt Nam, đã được quy hoạch thành khu du lịch quốc gia.
Về cơ sở hạ tầng, Hòa Bình đang triển khai xây dựng đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu. Sau khi hoàn thành sẽ giúp địa phương thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và du lịch.
Với diện tích 4.596,4km2, dân số 854.131 người, tỉnh Hòa Bình thuộc diện sáp nhập cấp tỉnh.
T.San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)