Trung ương vừa thống nhất chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh cả nước còn 34 đơn vị, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, dự kiến hợp nhất tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên lấy tên là tỉnh Thái Nguyên, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Thái Nguyên.
Như vậy, sau gần ba thập kỷ đi trên hai con đường phát triển riêng biệt, Bắc Kạn - tỉnh ít dân nhất Việt Nam dự kiến sẽ được sáp nhập trở lại với Thái Nguyên, tái lập mối duyên từng một thời gắn bó trong đơn vị hành chính mang tên tỉnh Bắc Thái.
Trong lịch sử, vào năm 1965, theo phê chuẩn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên được hợp nhất thành tỉnh Bắc Thái. Khi đó, tỉnh Bắc Thái bao gồm thành phố Thái Nguyên, thị xã Bắc Kạn và 12 huyện. Sau đó, đến ngày 6/11/1996, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã ra nghị quyết tách tỉnh Bắc Thái để tái lập tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên; đồng thời chuyển 2 huyện Ngân Sơn, Ba Bể của tỉnh Cao Bằng trở về tỉnh Bắc Kạn - mở ra hành trình phát triển độc lập suốt gần 30 năm qua.
Từ đó đến nay, cả hai tỉnh đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ.
Bắc Kạn, với diện tích gần 4.900km2 và dân số chỉ hơn 326.000 người. Đây là tỉnh có dân số thấp nhất cả nước, nhưng lại sở hữu nguồn tài nguyên du lịch sinh thái quý giá. Nổi bật trong đó là hồ Ba Bể - viên ngọc xanh giữa đại ngàn, được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, thu hút du khách bởi vẻ đẹp hùng vĩ và hệ sinh thái đa dạng.
Hồ Ba Bể - Di tích Quốc gia đặc biệt của Bắc Kạn
Trong khi đó, Thái Nguyên - với dân số khoảng 1,35 triệu người và diện tích hơn 3.500km2 - đã vươn mình mạnh mẽ để trở thành một trong những “thủ phủ công nghiệp” phía Bắc, được mệnh danh là "thung lũng Silicon của Việt Nam". Từ vị thế trung tâm giáo dục và khoa học kỹ thuật, Thái Nguyên đã bứt phá với những dòng vốn FDI khổng lồ, trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn lớn, đặc biệt là các “ông lớn” trong ngành công nghệ như Samsung, tạo ra hàng chục nghìn việc làm và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng hiện đại.
Một góc Thành phố Thái Nguyên
Trong thực tế, Bắc Kạn và Thái Nguyên được gắn kết bởi nhiều tuyến giao thông huyết mạch. Trong đó nổi bật là tuyến cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn, dài gần 29km, kết nối trực tiếp với tuyến BOT Thái Nguyên - Chợ Mới và cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng. Với tổng vốn đầu tư hơn 5.750 tỷ đồng, tuyến cao tốc này không chỉ rút ngắn thời gian di chuyển, mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế, thương mại, du lịch và đảm bảo an ninh - quốc phòng cho toàn khu vực.
Việc dự kiến tái hợp nhất Bắc Kạn và Thái Nguyên không chỉ mang ý nghĩa hành chính đơn thuần, mà còn thể hiện tầm nhìn dài hạn về sự phát triển bền vững, cân bằng và hiệu quả. Khi được quy hoạch hợp lý, tỉnh mới sẽ không chỉ thừa hưởng thế mạnh của cả hai địa phương - từ tài nguyên thiên nhiên, tiềm năng du lịch đến năng lực công nghiệp, kết nối hạ tầng - mà còn tạo ra một động lực phát triển mới cho toàn vùng trung du và miền núi phía Bắc.
H.Mai (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)