Tỉnh Hà Tây sáp nhập vào Thủ đô Hà Nội năm nào?
Tại Điều 1 Nghị quyết 15/2008/QH12 có quy định về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh có liên quan như sau:
Điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan như sau:
1. Hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên là 219.341,11 ha và dân số hiện tại là 2.568.007 người của tỉnh Hà Tây vào thành phố Hà Nội.
2. Chuyển toàn bộ huyện Mê Linh, tĩnh Vĩnh Phúc về thành phố Hà Nội, bao gồm diện tích tự nhiên là 14.164,53 ha và dân số hiện tại là 187.255 người.
3. Chuyển toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số hiện tại của 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình về thành phố Hà Nội, bao gồm: 1.720,36 ha diện tích tự nhiên và dân số hiện tại là 4.495 người của xã Đông Xuân, 3.457,74 ha diện tích tự nhiên và dân số hiện tại là 6.606 người của xã Tiến Xuân, 2.073,06 ha diện tích tự nhiên và dân số hiện tại là 5.875 người của xã Yên Bình, 1.532,76 ha diện tích tự nhiên và dân số hiện tại là 3.278 người của xã Yên Trung.
Thời gian tỉnh Hà Tây sáp nhập vào Thủ đô Hà Nội là năm 2008 (Ảnh minh họa)
4. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính:
a) Thành phố Hà Nội có diện tích tự nhiên là 334.470,02 ha và dân số hiện tại là 6.232.940 người, bao gồm diện tích tự nhiên và dân số hiện tại của các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Xuân, các huyện Đông Anh, Từ Liêm, Sóc Sơn, Gia Lâm, Thanh Trì, Ba Vì, Chương Mỹ, Đan Phượng, Hoài Đức, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa, Mê Linh, các thành phố Hà Đông, Sơn Tây và các xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung.
....
Đồng thời tại Điều 6 Nghị quyết 15/2008/QH12 có quy định Nghị quyết 15/2008/QH12 có hiệu lực từ ngày 01/8/2008.
Như vậy, từ ngày 01/8/2008, tỉnh Hà Tây chính thức sáp nhập vào Thủ đô Hà Nội. Cụ thể hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên là 219.341,11 ha và dân số là 2.568.007 người của tỉnh Hà Tây vào Thủ đô Hà Nội (số liệu năm 2008).
Thủ đô Hà Nội giáp với những tỉnh nào?
Tại khoản 4 Điều 1 Nghị quyết 15/2008/QH12 có quy định về việc điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô Hà Nội. Theo đó, sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, thủ đô Hà nội sẽ giáp với:
- Phía Bắc giáp tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Vĩnh Phúc;
- Phía Nam giáp tỉnh Hà Nam và tỉnh Hòa Bình;
- Phía Đông giáp các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và Hưng Yên;
- Phía Tây giáp tỉnh Hòa Bình và tỉnh Phú Thọ;
Mục tiêu phát triển thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 là gì?
Tại điểm b khoản 3 Điều 1 Quyết định 700/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 có quy định cụ thể mục tiêu phát triển thủ đô Hà Nội. Theo đó:
- Phát triển Thủ đô Hà Nội là Thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; Thành phố kết nối toàn cầu, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
- Phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị; có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà.
Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (Ảnh minh họa)
- Thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh, thành phố trực thuộc thành phố; quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng tại khu vực trung tâm; rà soát và triển khai đồng bộ các chương trình cải tạo, chỉnh trang tái thiết đô thị. Ưu tiên phát triển các đô thị nhỏ và vùng ven đô để hỗ trợ phát triển nông thôn thông qua các mối liên kết đô thị - nông thôn. Đầu tư phát triển các đô thị có giá trị về văn hóa, lịch sử, di sản, du lịch, đô thị gắn với những địa bàn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch kết hợp hài hòa với phát triển nông thôn, bảo vệ môi trường cảnh quan, tạo sự bền vững.
- Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hoà hai bên sông của Hà Nội. Nghiên cứu tăng tỷ lệ đất phát triển đô thị; xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai); xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục đường Nhật Tân - Nội Bài (Võ Nguyên Giáp); quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng. Quy hoạch xây dựng khu vực nông thôn hài hoà, gắn với phát triển đô thị, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, kết nối đồng bộ với quy hoạch khu vực đô thị; khai thác hiệu quả cảnh quan thiên nhiên vùng nông thôn, hành lang xanh kết hợp với phát triển du lịch xanh.
- Là cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, quản lý đầu tư xây dựng và hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)