Thái Bình thuộc nhóm những tỉnh nhỏ nhất cả nước với diện tích 1.586,3 km². Tuy nhiên, vị trí địa lý của tỉnh lại vô cùng đặc biệt, được bao bọc bởi ba con sông lớn: Sông Hồng ở phía Tây và Tây Nam, sông Luộc ở phía Bắc và sông Hóa ở phía Đông. Địa hình hoàn toàn là đồng bằng, không có đồi núi, tạo điều kiện thuận lợi cho nông nghiệp phát triển nhờ phù sa màu mỡ từ sông Hồng và hệ thống sông ngòi dày đặc.
Tỉnh Thái Bình chưa từng đổi tên, sáp nhập hay chia tách suốt 135 năm.
Thái Bình được thành lập vào ngày 21/3/1890 dưới thời Pháp thuộc, ban đầu gồm 10 huyện. Sau đó, vào năm 1894, tỉnh được mở rộng thêm hai huyện Hưng Nhân và Duyên Hà từ Hưng Yên. Sau cách mạng tháng 8, hệ thống hành chính có sự thay đổi, phủ được đổi thành huyện, nâng tổng số huyện lên 12.
Lần thay đổi lớn nhất về địa giới hành chính của tỉnh diễn ra vào năm 1969 khi một số huyện được hợp nhất, giảm từ 12 xuống còn 7 huyện. Vào những năm 1980, một số xã của huyện Vũ Thư được sáp nhập vào thị xã Thái Bình, tiền thân của thành phố Thái Bình ngày nay.
Việc giữ nguyên địa giới suốt hơn một thế kỷ không chỉ thể hiện sự ổn định về hành chính, mà còn chứng minh sự phát triển bền vững về văn hóa – kinh tế – xã hội của tỉnh.
Không chỉ nổi danh là với truyền thống hiếu học, tinh thần cách mạng, Thái Bình còn được ghi nhận bằng bằng một thế hệ doanh nghiệp năng động, với nhiều bước chuyển mạnh mẽ trong cơ cấu kinh tế.
Tỉnh đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp với các khu công nghiệp lớn như Tiền Hải, Nguyễn Đức Cảnh, Sông Trà… Bên cạnh đó, Thái Bình cũng là điểm sáng trong thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, nhờ lợi thế về địa hình và bờ biển.
Về hạ tầng, nhiều tuyến đường quan trọng như tuyến đường bộ ven biển, tuyến nối Thái Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh… đang dần hình thành, mở ra không gian phát triển liên vùng mạnh mẽ. Điều này tạo tiền đề để Thái Bình bứt phá trở thành cực tăng trưởng mới của khu vực Đồng bằng sông Hồng.
K.Hoàng (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)