Tỉnh có nhiều vàng nhất Việt Nam
Quảng Nam được mệnh danh là vùng đất có trữ lượng vàng lớn nhất Việt Nam, với nhiều mỏ vàng có giá trị cao. Trong đó, mỏ vàng Bồng Miêu và Phước Sơn được đánh giá là hai mỏ vàng lớn nhất, với tổng trữ lượng ước tính khoảng 20 tấn, theo Báo Tri thức và Cuộc sống.
Mỏ vàng Bồng Miêu ở Quảng Nam là mỏ vàng có trữ lượng lớn nhất cả nước, với sản lượng ước tính 12,4 tấn và được mệnh danh là "lãnh địa vàng". Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu được cấp phép khai thác mỏ này từ năm 1992, với thời hạn giấy phép đến ngày 5/3/2016. Đến cuối năm 2018, công ty này phá sản và dừng khai thác.
Mỏ vàng Bồng Miêu là mỏ vàng có trữ lượng lớn nhất cả nước. Ảnh minh họa
Theo CTTĐT huyện Tiên Phước, Quảng Nam, để đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường, tháng 3/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu. Dự án đóng cửa mỏ bắt đầu thi công từ ngày 22/7/2023, với tổng kinh phí hơn 19,5 tỷ đồng.
Mỏ vàng Phước Sơn với trữ lượng ước tính khoảng 7,2 tấn từng tái khởi động hoạt động khai thác vào tháng 8/2016. Trước đó, Công ty vàng Phước Sơn đã tạm dừng sản xuất trong hai năm. Ngoài 2 mỏ vàng lớn là Bồng Miêu và Phước Sơn, hầu hết các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam đều có quặng vàng rải rác tại các con sông, suối.
Quảng Nam - nơi duy nhất ở Việt Nam sở hữu 2 Di sản thế giới
Theo Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Việt Nam hiện có 8 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới được UNESCO công nhận.
Tỉnh Quảng Nam có đến hai địa điểm được công nhận là di sản thế giới, bao gồm: khu di tích Mỹ Sơn (Thánh địa Mỹ Sơn) và phố cổ Hội An.
Khu di tích Mỹ Sơn. Ảnh minh họa
Khu di tích Mỹ Sơn (thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), là quần thể kiến trúc nổi tiếng nhất ở Việt Nam. Khu di tích Mỹ Sơn được xây dựng từ cuối thế kỷ IV đến thế kỷ XIII.
Khu di tích Mỹ Sơn được Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO chính thức công nhận là Di sản văn hoá Thế giới vào ngày 1/12/1999.
Toàn bộ di tích Mỹ Sơn được chia thành 4 khu vực: A, B, C, D. Điểm nổi bật dễ nhận thấy ở đây là những kiến trúc Chăm pa cổ dường như vẫn còn nguyên vẹn như tượng thần Siva, bia đá, các linh vật cùng hệ thống đền tháp xưa.
Phố cổ Hội An. Ảnh minh họa
Theo Cục di sản văn hóa, Hội nghị lần thứ 23 của Ủy ban Di sản Thế giới họp tại Marrakesh (Morocco), ngày 1/12/1999 công nhận Khu Phố cổ Hội An là Di sản văn hóa thế giới. Phố cổ Hội An đáp ứng đủ các tiêu chí: là sự biểu thị vật chất nổi bật của sự hòa trộn của các nền văn hóa vượt thời gian, là điển hình nổi bật về bảo tồn thương cảng châu Á cổ truyền.
Phố cổ Hội An nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, cách thành phố Đà Nẵng 30km về phía Đông Nam.
Hội An là một trong những đô thị cổ, đến nay vẫn giữ được gần như nguyên vẹn. Nơi đây xưa kia từng nổi tiếng với tên gọi Faifoo, được các thương nhân Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Italia... biết đến từ thế kỷ 16 - 17. Hồi đó thương cảng Hội An thịnh vượng, là trung tâm buôn bán lớn của vùng Đông Nam Á.
Cù Lao Chàm - "hòn ngọc thô" quyến rũ của Quảng Nam. Ảnh minh họa
Quảng Nam còn có Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, nổi bật với vẻ đẹp hoang sơ và nhiều loài sản vật quý hiếm. Bên cạnh đó, Quảng Nam sở hữu 125km đường bờ biển với những bãi cát trắng, nắng vàng cùng các bãi biển nổi tiếng, được tạp chí Forbes bình chọn là một trong những bãi biển đẹp nhất thế giới, rất thuận lợi cho việc phát triển du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng.
K.Hoàng (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)