Bảo hiểm hưu trí bổ sung là gì?
Hiện nay, định nghĩa về bảo hiểm hưu trí bố sung tại khoản 7 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
7. Bảo hiểm hưu trí bổ sung là chính sách bảo hiểm xã hội mang tính chất tự nguyện nhằm mục tiêu bổ sung cho chế độ hưu trí trong bảo hiểm xã hội bắt buộc, có cơ chế tạo lập quỹ từ sự đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động dưới hình thức tài khoản tiết kiệm cá nhân, được bảo toàn và tích lũy thông qua hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật.
Còn theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 thì khái niệm về bảo hiểm hưu trí bổ sung được giải thích như sau:
5. Bảo hiểm hưu trí bổ sung là loại hình bảo hiểm mang tính chất tự nguyện theo nguyên tắc thị trường nhằm bổ sung cho chế độ hưu trí trong bảo hiểm xã hội bắt buộc, có cơ chế tạo lập quỹ từ đóng góp của người sử dụng lao động hoặc của người sử dụng lao động và người lao động.
Bảo hiểm hưu trí bổ sung được hiểu là loại hình bảo hiểm mang tính chất tự nguyện theo nguyên tắc thị trường nhằm bổ sung cho chế độ hưu trí trong BHXH bắt buộc.
Bảo hiểm hưu trí bổ sung có cơ chế tạo lập quỹ từ đóng góp của người sử dụng lao động hoặc của người sử dụng lao động và người lao động (Ảnh minh họa).
Đóng bảo hiểm hưu trí bổ sung
Để đáp ứng nhu cầu của một bộ phận lao động có thu nhập cao, mong muốn có được lương hưu cao vượt trội, Luật BHXH năm 2024 bổ sung thêm 1 chương với 4 điều quy định hình thức bảo hiểm hưu trí bổ sung.
Theo tiến sĩ Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ BHXH Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, một trong 14 nội dung lớn của Luật BHXH năm 2024 là bổ sung quy định về đối tượng, nguyên tắc, quỹ, chính sách của Nhà nước đối với bảo hiểm hưu trí bổ sung.
Vụ Pháp chế BHXH Việt Nam đánh giá quy định chế độ bảo hiểm hưu trí bổ sung tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm sự lựa chọn, tham gia đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn.
Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung
Tại Điều 124, Luật BHXH năm 2024 quy định: "Đối tượng tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung là người sử dụng lao động và người lao động".
Bảo hiểm hưu trí bổ sung sẽ hoạt động theo 4 nguyên tắc chính được quy định tại Điều 125 Luật BHXH năm 2024.
(Ảnh minh họa)
Thứ nhất, mức đóng bảo hiểm hưu trí bổ sung do người sử dụng lao động và người lao động tự nguyện thỏa thuận.
Thứ hai, khoản đóng góp vào quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung được quản lý theo từng tài khoản hưu trí cá nhân.
Thứ ba, hoạt động quản lý quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung thực hiện theo nguyên tắc công khai, minh bạch và phải bảo đảm đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.
Cuối cùng, mức chi trả bảo hiểm hưu trí bổ sung được xác định trên cơ sở số dư tài khoản hưu trí cá nhân tại thời điểm chi trả, được tích lũy thông qua hoạt động đầu tư quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung theo nguyên tắc thị trường.
Khái niệm Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung cũng được Luật BHXH năm 2024 làm rõ tại Điều 126.
Theo đó, Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung là quỹ tài chính độc lập với ngân sách nhà nước; được hạch toán, kế toán, lập báo cáo tài chính, kiểm toán theo quy định của pháp luật về kế toán và pháp luật về kiểm toán.
Nguồn hình thành quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung bao gồm đóng góp của người sử dụng lao động, người lao động và tiền sinh lời của hoạt động đầu tư của quỹ.
Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung được sử dụng để chi trả chế độ hưu trí bổ sung cho người lao động, chi phí tổ chức và hoạt động quản lý.
Chính sách của Nhà nước đối với bảo hiểm hưu trí bổ sung được Luật BHXH năm 2024 (Điều 127) quy định cụ thể tại Điều 127.
Theo đó, Nhà nước khuyến khích phát triển bảo hiểm hưu trí bổ sung thông qua các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về thuế.
Đồng thời, Nhà nước sẽ hoàn thiện pháp luật và chính sách về bảo hiểm hưu trí bổ sung, tổ chức thực hiện chính sách chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch; tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động tham gia.
Như vậy, thực chất hưu trí bổ sung là khoản tiền lương hưu được trích từ “Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung”, mà quỹ này do người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận với nhau để đóng góp vào quỹ một cách tự nguyện, không phải bắt buộc. Quỹ này giống như một hình thức bảo hiểm nhân thọ, nhưng không chỉ người lao động nộp quỹ mà cả người sử dụng lao động cũng tham gia nộp quỹ. Những doanh nghiệp muốn xem đây là một khoản phúc lợi phụ thêm dành cho một số nhân sự ưu tiên nào đó thì có thể xem xét việc tham gia quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung này, giúp cho người lao động được nhận thêm một khoản lương hưu bên cạnh khoản lương hưu từ quỹ Bảo hiểm xã hội của Nhà nước.
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)