Sáng 11/5, tại phiên họp toàn thể lần thứ 2 của Ủy ban Văn hóa - Xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh cho biết Chính phủ và Quốc hội đã thống nhất chủ trương miễn học phí cho toàn bộ học sinh từ bậc mầm non đến trung học phổ thông trên phạm vi cả nước.
Cụ thể, nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi, cũng như việc miễn học phí từ mầm non đến trung học phổ thông, nhằm cụ thể hóa chủ trương của Trung ương Đảng và Bộ Chính trị.
Theo phương án được thống nhất, từ năm học 2025 - 2026, học sinh tại các trường công lập sẽ được miễn học phí hoàn toàn. Ngân sách nhà nước sẽ cấp bù cho các cơ sở giáo dục công lập để đảm bảo học sinh không phải đóng góp học phí.
Học sinh trên cả nước sẽ được miễn học phí (Ảnh minh họa)
Đối với khối ngoài công lập, bao gồm trường tư thục và dân lập, Nhà nước sẽ tính toán mức chi phí tương đương để hỗ trợ cho từng học sinh. Chính sách này nhằm đảm bảo sự công bằng, không phân biệt học sinh theo học ở loại hình trường nào, ông Vinh nhấn mạnh.
Liên quan đến phương thức chi trả, ban đầu Chính phủ đề xuất cấp qua các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, sau khi thảo luận, cơ quan thẩm tra và Chính phủ đã thống nhất chọn phương án chuyển tiền trực tiếp đến học sinh thông qua gia đình hoặc người giám hộ.
Theo ông Vinh, việc chi trả qua trường học tuy thuận tiện hơn, nhưng lại tiềm ẩn rủi ro thiếu minh bạch. Chẳng hạn, nếu học phí một trường tư là 5 triệu đồng/tháng, Nhà nước hỗ trợ 1,5 triệu đồng thì liệu trường có điều chỉnh mức thu cho phù hợp? Vì vậy, tốt nhất là học phí là thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường, còn phần hỗ trợ của Nhà nước sẽ gửi thẳng đến học sinh.
Một vấn đề khác được đặt ra là hiện quy định chỉ hỗ trợ học sinh ngoài công lập tại những khu vực chưa đủ trường công lập. Tuy nhiên, theo ông Vinh, việc xác định "đủ hay chưa đủ trường công" trong thực tế rất khó khả thi. Do đó, quan điểm của Thường trực Ủy ban Pháp luật là cần hỗ trợ toàn bộ học sinh ngoài công lập, không phân biệt khu vực.
Hỗ trợ học phí đối với cả học sinh công lập (Ảnh minh họa)
Theo tính toán, tổng kinh phí ngân sách Nhà nước cần để thực hiện chính sách miễn và hỗ trợ học phí từ năm học 2025 – 2026 vào khoảng 31.400 tỷ đồng mỗi năm. Trong đó, phần hỗ trợ dành cho học sinh tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục chiếm khoảng 1.900 tỷ đồng.
Như vậy, so với hiện tại, ngân sách Nhà nước sẽ phải bố trí thêm khoảng 9.000 tỷ đồng mỗi năm để triển khai chính sách này trên toàn quốc. Mức kinh phí cụ thể ở từng địa phương sẽ được xác định căn cứ vào quy định về mức thu học phí do Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh quyết định.
H.Lê (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)