Đề xuất người từ 60 tuổi không có lương hưu được hỗ trợ thẻ BHYT từ 1/7/2025
Trong buổi thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) đề xuất xem xét việc bổ sung đối tượng tham gia BHYT do ngân sách nhà nước đóng, áp dụng cho người cao tuổi từ đủ 60 tuổi trở lên.
Theo quy định của Luật Người cao tuổi, người từ đủ 60 tuổi trở lên được nhà nước quan tâm về chính sách xã hội. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, chỉ những người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên, không hưởng trợ cấp hàng tháng, mới được nhận trợ cấp xã hội và cấp thẻ BHYT do ngân sách nhà nước bảo đảm.
Đề xuất người từ 60 tuổi không có lương hưu hỗ trợ thẻ BHYT (Ảnh minh hoạ)
Theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên không có lương hưu sẽ được nhận trợ cấp hưu trí xã hội và được nhà nước đóng thẻ BHYT. Trong khi đó, người từ 60 tuổi đến dưới 75 tuổi, nếu không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp, thì không được nhà nước đóng thẻ BHYT.
Do đó, đại biểu đề xuất mở rộng đối tượng được nhà nước đóng thẻ BHYT từ 60 tuổi đến dưới 75 tuổi, bắt đầu áp dụng từ ngày 01/7/2025. Tuy nhiên, đề xuất này chắc chắn cần tiếp tục thảo luận và chưa được đưa vào dự thảo Luật, do đó chưa có cơ sở để xác định quy định này sẽ chính thức được áp dụng.
Quy định mới về mức hưởng bảo hiểm y tế áp dụng từ ngày 1/1/2025
Nghị định số 02/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định về mức hưởng bảo hiểm y tế đối với các trường hợp quy định tại Điều 22 của Luật Bảo hiểm y tế. Cụ thể:
1. Các đối tượng quy định tại các khoản 3, 4, 5, 8, 9, 11, 17 và 20 Điều 3 Nghị định này được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 22 của Luật Bảo hiểm y tế.
2. Các đối tượng được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 22 của Luật Bảo hiểm y tế và không áp dụng tỷ lệ thanh toán theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 21 của Luật Bảo hiểm y tế, bao gồm:
a) Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945;
b) Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;
c) Bà mẹ Việt Nam anh hùng;
d) Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
đ) Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh khi điều trị vết thương, bệnh tật tái phát;
e) Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
g) Trẻ em dưới 6 tuổi.
(Ảnh minh hoạ)
3. 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp chi phí cho một lần khám bệnh, chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở.
4. 95% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2, các khoản 12, 18 và 19 Điều 3 và các khoản 1, 2 và 5 Điều 4 của Nghị định này.
5. Lộ trình thực hiện và tỷ lệ mức hưởng khi khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp cơ bản theo quy định tại điểm e và điểm h khoản 4 Điều 22 của Luật Bảo hiểm y tế như sau:
a) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2025, khi khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp cơ bản đạt số điểm dưới 50 điểm hoặc được tạm xếp cấp cơ bản, người tham gia bảo hiểm y tế được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 100% mức hưởng;
b) Từ ngày 01 tháng 7 năm 2026, khi khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp cơ bản đạt số điểm từ 50 điểm đến dưới 70 điểm, người tham gia bảo hiểm y tế được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 50% mức hưởng;
c) Từ ngày 01 tháng 7 năm 2026, khi khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp cơ bản mà trước ngày 01 tháng 01 năm 2025 đã được cơ quan có thẩm quyền xác định là tuyến tỉnh hoặc tuyến trung ương hoặc tương đương tuyến tỉnh hoặc tuyến trung ương, người tham gia bảo hiểm y tế được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 50% mức hưởng;
d) Từ ngày 01 tháng 7 năm 2026, khi khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu mà trước ngày 01 tháng 01 năm 2025 đã được cơ quan có thẩm quyền xác định là tuyến tỉnh hoặc tương đương tuyến tỉnh theo quy định tại điểm h khoản 4 Điều 22 của Luật Bảo hiểm y tế, người tham gia bảo hiểm y tế được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 50% mức hưởng.
6. Trường hợp quy định tại điểm a khoản 5 Điều này được tính để xác định số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm quy định tại điểm d khoản 1 Điều 22 của Luật Bảo hiểm y tế.
7. Đối với trường hợp người tham gia bảo hiểm y tế đi khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu:
(Ảnh minh hoạ)
a) Người có thẻ bảo hiểm y tế đi khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo phạm vi được hưởng (nếu có) theo quy định tại Điều 22 của Luật Bảo hiểm y tế. Phần chi phí chênh lệch giữa giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu với mức thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế do người bệnh thanh toán cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
b) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm bảo đảm về nhân lực, điều kiện chuyên môn, thiết bị y tế, khả năng cung ứng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo đúng hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đã ký với cơ quan bảo hiểm xã hội và công khai những khoản chi phí mà người bệnh phải chi trả ngoài phạm vi được hưởng và mức hưởng bảo hiểm y tế, phần chi phí chênh lệch và phải thông báo trước cho người bệnh.
8. Trường hợp người tham gia bảo hiểm y tế thay đổi nhóm đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế theo các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dẫn đến thay đổi mức hưởng bảo hiểm y tế và phải đổi thẻ bảo hiểm y tế, thông tin về thẻ bảo hiểm y tế thì mức hưởng bảo hiểm y tế mới được tính từ thời điểm thẻ bảo hiểm y tế, thông tin về thẻ bảo hiểm y tế được cấp mới cho người tham gia bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng.
Nghị định số 02/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Thu Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)