Thượng tọa Thích Chân Quang là một giảng sư nổi tiếng, đã xuất bản hơn 2.000 đề tài thuyết giảng bằng CD, VCD, DVD có phụ đề nhiều ngôn ngữ, cùng nhiều đầu sách. Tuy nhiên, ông cũng tạo ra nhiều tranh cãi từ trước đến nay do có những nội dung thuyết giảng trái chiều.
Năm 2024, Thượng tọa Thích Chân Quang đã trở thành tâm điểm chú ý khi bị Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra quyết định kỷ luật vì những bài giảng bị cho là không đúng Chánh pháp, đồng thời bị phát hiện sử dụng bằng cấp giả.
Xuất thân của Thượng toạ Thích Chân Quang
Thích Chân Quang, sinh năm 1959 tại Đắk Lắk với tên khai sinh là Vương Tấn Việt, và đã chuyển đến thành phố Hồ Chí Minh sinh sống từ nhỏ. Cha ông gốc Nghệ An, mẹ gốc Huế.
Thượng tọa Thích Chân Quang
Năm 1980, ông xuất gia tại Thiện viện Thường Chiếu, Đồng Nai, dưới sự chỉ dạy của Hòa thượng Thích Thanh Từ. Sau đó, ông được nhận làm môn đệ của Hòa thượng Thích Huệ Hưng, trụ trì Tu viện Huệ Quang, thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1984, ông thọ giới tì-kheo sau một thời gian tu học.
Năm 1992, Thích Chân Quang trở về chùa Phật Quang, núi Dinh, Bà Rịa – Vũng Tàu, và đảm nhận vị trí trụ trì. Ông được tấn phong lên làm Thượng tọa vào năm 2007.
Từ những bài giảng gây tranh cãi đến án kỷ luật
Trong thời gian qua, một số nội dung thuyết pháp của Thượng tọa Thích Chân Quang trên các nền tảng xã hội đã nhận về nhiều chỉ trích từ cộng đồng mạng. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng một số nội dung thuyết pháp của ông về giáo lý nhân quả không đúng Chánh pháp, gây hiểu lầm và ảnh hưởng tiêu cực đến việc tu học Phật pháp của Phật tử.
Thầy Thích Chân Quang nhận nhiều ý kiến trái chiều khi nói về giáo lý nhân quả không đúng Chánh pháp, gây hiểu lầm
Những phát ngôn này đã gây nên nhiều phản ứng trái chiều từ dư luận. Một bộ phận cho rằng Thượng tọa Thích Chân Quang đã đưa ra những lời giảng giải mang tính mê tín dị đoan, không phù hợp với giáo lý Phật pháp, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của Phật tử.
Trước những phản ứng trái chiều này, ngày 19/6/2024, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ra quyết định kỷ luật Thượng tọa Thích Chân Quang không được thuyết giảng dưới mọi hình thức, không chủ trì tổ chức các sự kiện tập trung đông người tại chùa Thiền Tôn Phật Quang và các địa điểm khác trong vòng 2 năm. Quyết định này đã gây xôn xao dư luận, phản ánh sự nghiêm khắc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong việc bảo vệ Chánh pháp và ngăn chặn những hành vi trái với đạo lý.
Vụ việc sử dụng bằng cấp giả
Ngoài những bài giảng gây tranh cãi, Thượng tọa Thích Chân Quang còn vướng vào vụ việc sử dụng bằng cấp giả. Theo thông tin được xác nhận từ Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, Thượng tọa Thích Chân Quang (tên thật là Vương Tấn Việt) không có tên trong danh sách dự thi và bảng ghi điểm kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp 3 năm 1989, cũng như không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa khóa ngày 6/6/1989 tại thành phố.
Thượng tọa Thích Chân Quang còn vướng vào vụ việc sử dụng bằng cấp giả
Bộ Giáo dục và Đào tạo sau đó đã công bố kết quả xác minh văn bằng của ông Vương Tấn Việt. Kết quả xác định ông đã sử dụng bằng cấp III bổ túc văn hóa không hợp pháp. Ông Vương Tấn Việt cũng thừa nhận việc sử dụng bằng cấp III không hợp pháp.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra yêu cầu khẩn cấp đối với các trường đại học liên quan đến việc cấp bằng cho ông Vương Tấn Việt. Theo đó, các trường cần thu hồi các văn bằng đã cấp cho ông này dựa trên quy định của pháp luật.
Bên cạnh việc thu hồi bằng cấp, Bộ GDĐT cũng yêu cầu các trường đại học rà soát kỹ lưỡng quy trình đào tạo để tránh xảy ra những trường hợp tương tự trong tương lai. Hiện tại, các trường đại học đang tiến hành các thủ tục cần thiết để thu hồi bằng cử nhân và các bằng cấp cao hơn của ông.
Thu Hà (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)