Việt kiều được hiểu là những công dân Việt Nam đang cư trú và sinh sống ở ngoài lãnh thổ nước Việt Nam. Họ có thể vẫn đang còn quốc tịch Việt Nam và/hoặc đang có quốc tịch của quốc gia họ đang sinh sống.
Việt kiều có được cấp căn cước hay không?
Theo điều 19, và điều 30 luật Căn cước 2023, công dân Việt Nam (tức người có quốc tịch Việt Nam) là đối tượng được cấp thẻ căn cước.
Còn người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch (tức không có giấy tờ, tài liệu chứng minh họ có quốc tịch Việt Nam và nước khác) đang sinh sống tại Việt Nam liên tục từ 6 tháng trở lên có thể yêu cầu cấp giấy chứng nhận căn cước.
Giấy chứng nhận căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng căn cước của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch (khoản 12 điều 3 luật Căn cước 2023).
Do đó, trường hợp Việt kiều đang có quốc tịch Việt Nam thì họ đủ điều kiện được cấp thẻ căn cước. Nếu Việt kiều không còn quốc tịch Việt Nam, họ cần nhập quốc tịch Việt Nam trước khi làm thủ tục xin cấp thẻ căn cước.
Đối với trường hợp Việt Kiều là người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam liên tục từ 6 tháng trở lên, họ có quyền yêu cầu cấp Giấy chứng nhận căn cước.
Việt kiều cũng sẽ được cấp căn cước nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định (Ảnh minh họa).
Thủ tục xin cấp thẻ căn cước
Công dân đến cơ quan quản lý căn cước để yêu cầu cấp thẻ căn cước. Từ 1/3/2025, không còn tổ chức công an cấp huyện nên Bộ Công an đã chỉ đạo chuyển toàn bộ chức năng cấp căn cước về công an cấp xã. Bên cạnh đó, công dân thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, ứng dụng định danh quốc gia lựa chọn thủ tục cấp thẻ căn cước.
Công dân cung cấp thông tin gồm họ, chữ đệm và tên khai sinh, số định danh cá nhân, nơi cư trú để người tiếp nhận kiểm tra đối chiếu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (điều 23 luật Căn cước 2023).
Cán bộ thu nhận thông tin công dân sẽ đối chiếu thông tin và thực hiện thu nhận vân tay, chụp ảnh khuôn mặt và thu nhận ảnh mống mắt của công dân (điều 23 luật Căn cước 2023).
(Ảnh minh họa)
Cán bộ tiếp nhận sẽ in phiếu thu nhận thông tin căn cước, phiếu thu thập thông tin dân cư (nếu có) chuyển cho công dân kiểm tra, ký xác nhận và cấp phiếu hẹn trả kết quả.
Công dân sẽ nhận kết quả trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước hoặc trả qua dịch vụ bưu chính đến địa chỉ theo yêu cầu.
Trường hợp Việt kiều là công dân Việt Nam dưới 14 tuổi có có nhu cầu được cấp thẻ căn cước thì cần có người đại diện hợp pháp. Cụ thể, người từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi cùng người đại diện hợp pháp đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học. Đối với người dưới 6 tuổi thì người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia.
Để được cấp thẻ căn cước, Việt kiều cần lưu ý phải thực hiện đầy đủ thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc khai báo thông tin về cư trú tại Việt Nam trước khi thực hiện xin cấp thẻ căn cước. Riêng đối với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, không có nơi cư trú tại Việt Nam thì thông tin về nơi cư trú trên thẻ căn cước thể hiện là địa chỉ cư trú ở nước ngoài (điều 4 Thông tư số 17/2024/TT-BCA).
T.San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)