Thành phố trực thuộc trung ương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất là:
Trong các thành phố trung ương, Hà Nội có thu nhập bình quân đầu người cao nhất với 6,42 triệu đồng một tháng, theo Niên giám thống kê năm 2022.
Theo thống kê năm 2022, Hà Nội có thu nhập bình quân đầu người cao nhất với 6,42 triệu đồng một tháng (Ảnh minh họa).
TP HCM đứng thứ hai với mức 6,39 triệu đồng, Đà Nẵng và Hải Phòng hơn 5,8 triệu, Cần Thơ 5,32 triệu. Thu nhập của người dân những thành phố này chủ yếu đến từ tiền lương và tiền công.
Còn ở quy mô cả nước, Bình Dương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất - hơn 8 triệu đồng một tháng. Hà Nội và TP HCM đứng thứ hai và ba, sau đó là Đồng Nai với 6,34 triệu.
Quy mô kinh tế lớn nhất Việt Nam năm 2024
Top 5 địa phương có quy mô kinh tế (GRDP) lớn nhất cả nước trong 2024 bao gồm TPHCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai và Hải Phòng. Trong đó, TP HCM giữ vị trí dẫn đầu với 1,78 triệu tỷ đồng theo giá hiện hành.
TP.HCM
TP HCM dẫn đầu cả nước với GRDP năm 2024 (theo giá so sánh năm 2010) đạt 1,17 triệu tỷ đồng, tăng 7,17%, tương đương 1,78 triệu tỷ đồng theo giá hiện hành.
Kinh tế thành phố duy trì đà phục hồi ổn định với tốc độ tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Khu vực dịch vụ tăng trưởng 7,7%, chiếm 65,5% GRDP, đóng góp 68,8% vào tăng trưởng chung. Ngành công nghiệp tăng 7,26%, chiếm 18,2% GRDP, nhưng vẫn phục hồi chậm.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp TP HCM đã có nhiều tín hiệu tích cực khi đơn hàng từng bước phục hồi. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2024 ước tăng 7,3% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 28,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,1%; sản xuất và phân phối điện tăng 11,2%. Riêng chỉ số sản xuất 4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 7,6% so với cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 của TP HCM tăng trưởng ổn định, ước đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng, tăng gần 11%. Trong đó, bán lẻ hàng hóa tăng 11%, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9%, dịch vụ lữ hành tăng 55% và các dịch vụ khác tăng 8%. Thu từ du lịch năm 2024 ước đạt 190.000 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023.
(Ảnh minh họa)
Hà Nội
Năm 2024, GRDP của Hà Nội tăng 6,52% so với năm trước. Quy mô GRDP của thành phố năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 1,43 triệu tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 163,5 triệu đồng, tăng 8,8% so với năm 2023. Trong cơ cấu GRDP của Hà Nội trong năm 2024, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất là 65,6%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 22,79%.
Dân số trung bình trên địa bàn Thành phố năm 2024 ước tính đạt 8,72 triệu người, tăng 1,5% so với năm 2023. Thu nhập bình quân đầu người của một nhân khẩu đạt 7,55 triệu đồng/tháng, tăng 9,9%.
Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước tăng 10,5% so với năm trước, trong đó vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tăng 38,7%. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 2,2 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2023, đứng thứ 5 cả nước về thu hút vốn FDI.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2024 ước thực hiện 509.300 tỷ đồng, vượt 24,7% dự toán và tăng 23,8% so với năm 2023. Chi ngân sách ước thực hiện 112.100 tỷ đồng, đạt 78,7% dự toán năm và tăng 1,4% so với năm 2023.
Bình Dương
Tiếp tục đứng thứ ba về quy mô GRDP, năm 2024 GRDP của tỉnh Bình Dương tăng 7,48% so với năm 2023, chủ yếu dựa vào khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 7,71%, đóng góp 5,3 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Quy mô GRDP của Bình Dương năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 520.205 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 181,2 triệu đồng/năm.
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)