Theo thông tin từ Sở Nội vụ thành phố Huế cho biết, thành phố vẫn chưa chính thức chốt phương án sáp nhập đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã, phường. Tuy nhiên, theo dự kiến, số lượng xã, phường tại Huế sẽ giảm khoảng 50%, từ 133 đơn vị xuống còn 66 đơn vị sau khi sáp nhập, tổ chức lại (gồm 32 phường, 34 xã).
Hiện nay, sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Huế có 133 xã, phường, thị trấn thuộc 4 huyện, 3 thị xã và 2 quận.
Huế là Thành phố trực thuộc trung ương mới nhất của nước ta. Ảnh minh họa
Phương án sáp nhập dự kiến gồm 2 trường hợp hợp nhất 4 ĐVHC, 7 trường hợp hợp nhất 3 ĐVHC, 44 trường hợp hợp nhất 2 ĐVHC, giữ nguyên 12 ĐVHC cấp xã, phường.
Trong các phương án sáp nhập, việc hợp nhất 4 phường khu vực Thành nội (Kinh thành Huế) gồm Thuận Lộc, Thuận Hòa, Tây Lộc và Đông Ba thành một phường mới nhận được nhiều sự quan tâm. Phường này dự kiến mang tên Phú Xuân (dự kiến trụ sở chính quyền đặt tại phường Tây Lộc, cơ quan Đảng, đoàn thể đặt tại phường Đông Ba). Tuy nhiên, một số ý kiến lại đề xuất lấy tên phường này là Thành Nội. Đây là cách gọi quen thuộc gắn liền với khu vực 4 phường nằm bên trong Kinh thành Huế.
Một trường hợp khác là sáp nhập 4 ĐVHC gồm các xã Hương Phú, Hương Lộc, Thượng Lộ và thị trấn Khe Tre (huyện Phú Lộc hiện nay) thành một xã mới, dự kiến mang tên Khe Tre (trụ sở chính quyền, cơ quan Đảng, đoàn thể dự kiến đặt tại thị trấn Khe Tre hiện nay).
Số lượng xã, phường tại thành phố Huế dự kiến sẽ giảm từ 133 đơn vị xuống còn 66 đơn vị sau khi sắp xếp, tổ chức sáp nhập. Ảnh minh họa
Ngoài các trường hợp kể trên, những phương án sáp nhập từ 2-3 ĐVHC hoặc giữ nguyên được đánh giá là tương đối hợp lý. Trong đó, một số ĐVHC cấp xã dự kiến giữ nguyên như các phường Long Hồ, Dương Nỗ, Thuận An, Thủy Xuân, Thủy Bằng, Thủy Phương, Thủy Châu, xã Lộc Điền, Lăng Cô… Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến băn khoăn về tên gọi sao cho phù hợp với lịch sử và văn hóa địa phương.
Được biết, đây chỉ mới là bước đầu trong quá trình hoàn thiện đề án. Thời gian tới, chính quyền thành phố sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi từ người dân, cộng đồng và giới nhân sĩ, trí thức để tiếp thu, điều chỉnh, nhằm tạo sự đồng thuận cao từ nhân dân và xã hội trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
K.Hoàng (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)