Theo các chuyên gia bất động sản, sự chuyển mình mạnh mẽ này được thúc đẩy bởi quy hoạch tổng thể đầy tham vọng, tập trung vào việc biến Thủ Đức thành trung tâm tài chính quốc gia, hướng tới vị thế trung tâm tài chính của khu vực Đông Nam Á.
Tính đến năm 2024, TP. Thủ Đức đã ghi nhận hơn 115.000 căn hộ thuộc nhiều phân khúc khác nhau. Trong vòng 5 năm tới, thị trường dự kiến sẽ đón thêm hơn 80.000 căn hộ mới, tập trung chủ yếu tại Khu đô thị Thủ Thiêm và các khu vực xung quanh nhà ga metro. Sự tập trung này cho thấy sức hút đặc biệt của các khu vực được đầu tư mạnh về hạ tầng giao thông, hứa hẹn mang đến sự tiện lợi và khả năng kết nối vượt trội cho cư dân.
TP. Thủ Đức được mệnh danh là "thành phố trong thành phố" đầu tiên của Việt Nam
Không chỉ dẫn đầu về nguồn cung nhà ở, Thủ Đức còn đang khẳng định vị thế là điểm đến tiềm năng của thị trường văn phòng và bán lẻ, nhờ vị trí chiến lược và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng. Đến năm 2024, tổng diện tích văn phòng hạng A và B tại đây đã đạt hơn 81.000m2 NLA, với khu Thủ Thiêm chiếm phần lớn nguồn cung (82%). Đáng chú ý, tỷ lệ lấp đầy của các tòa nhà mới đạt trên 70%, cho thấy nhu cầu cao từ các doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Giá thuê cạnh tranh so với khu trung tâm TP. HCM cũng là một yếu tố quan trọng thu hút các doanh nghiệp chuyển dịch về Thủ Đức.
Trong 5 năm tới, dự kiến sẽ có thêm khoảng 226.900m2 văn phòng hạng sang từ các dự án lớn như Vinhomes Grand Park và Eco Smart City, góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về không gian làm việc chất lượng cao. Song song với sự phát triển của thị trường bất động sản, quy hoạch tổng thể mới của thành phố cũng dành quỹ đất đáng kể cho các lĩnh vực trọng điểm khác: 120ha cho giáo dục, 91ha cho y tế và hơn 200ha cho khu công nghệ cao. Điều này củng cố vị thế của Thủ Đức như một trung tâm đổi mới sáng tạo toàn diện của TP. HCM.
Theo quy hoạch tổng thể được công bố vào tháng 2/2025, TP. Thủ Đức hướng đến mục tiêu trở thành đô thị sáng tạo, tương tác cao, đóng vai trò trung tâm kinh tế tri thức của TP. HCM, tập trung vào các lĩnh vực như giáo dục, nghiên cứu, công nghệ cao và hợp tác quốc tế. Những sáng kiến và quy hoạch này đang tạo ra làn sóng nhu cầu lớn về bất động sản cao cấp, bao gồm căn hộ, biệt thự và các loại hình văn phòng hiện đại.
Quy hoạch cũng phân bổ một lượng lớn diện tích cho nhà ở (580-650ha) và không gian thương mại (570-670ha), với cấu trúc đô thị được chia thành 5 khu chức năng phức hợp và 9 khu chức năng hỗn hợp, giúp tối ưu hóa liên kết giữa không gian sống, làm việc và giải trí.
Dự kiến đến năm 2040, dân số TP. Thủ Đức sẽ đạt khoảng 2,64 triệu người, tăng tới 140% so với hiện tại. Sự gia tăng dân số nhanh chóng này đặt ra nhu cầu cực lớn về nhà ở, đặc biệt ở phân khúc căn hộ cao tầng, được xem là giải pháp phù hợp với xu hướng đô thị nén và phát triển bền vững. Với những tiềm năng và lợi thế sẵn có, TP. Thủ Đức đang trên đà trở thành một trung tâm kinh tế năng động và hiện đại, thu hút cư dân và nhà đầu tư trong và ngoài nước.
T.Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)