Thành phố có nhiều tên nhất ở Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung chính là Buôn Ma Thuột. Theo thống kê, có đến 17 cách gọi khác nhau dành cho nơi này. Khi mới được xây dựng, người dân đặt tên là Ban Mê Thuot. Về sau đọc thành Ban Mê Thuột. Sau năm 1975, đổi tên thành Buôn Ma Thuột. Hơn nữa, người dân nơi đây còn có nhiều cách gọi khác như: Bản Mế Thuột, Bản Mế Thuật, Buôn Ma Thuộc, Buôn Ma Thuật, Ban Mê Thuộc, Ban Mê Thuật…
Dẫu vậy, cách gọi đúng và được công nhận chính thức chỉ có Buôn Ma Thuột. Cổng thông tin điện tử của thành phố giải thích, tên gọi này được đặt theo tên một vị tù trưởng người Ê Đê: Buôn Ama Y Thuot. Trong đó, Ama là tên của cha, Y Thuot chỉ người con trai tên Thuột, buôn là buôn làng, khu vực hành chính ngang với phường.
Bản đồ Buôn Ma Thuột năm 1930
Vị tù trưởng Y Thuot có công lập ra buôn làng đầu tiên bên bờ suối Ea Tam. Sau này, nó phát triển thành buôn lớn, đến đầu thế kỷ 20 đã là trung tâm của cả vùng. Đến nay, Buôn Ma Thuột đã trở thành thành phố quan trọng của Việt Nam nói chung, khu vực Tây Nguyên nói riêng. Vào ngày 8/2/2010, thành phố Buôn Ma Thuột được công nhận là đô thị loại I, trực thuộc tỉnh Đắk Lắk.
Buôn làng Êđê xưa
Ngoài ra thành phố trung tâm của tỉnh, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa, nghệ thuật vùng Tây Nguyên, Buôn Ma Thuột còn là thủ phủ cà phê của cả nước. Từ cuối thế 18, người Pháp đã mang cà phê đến trồng ở đây. Đến thời điểm hiện tại, thành phố này sở hữu hơn 213 nghìn ha trồng cà phê, chiếm hơn 30% diện tích cà phê của cả nước.
Cà phê robusta (cà phê vối) của Buôn Ma Thuột nổi tiếng khắp nơi. Nó được các nhà nghiên cứu, giới kinh doanh cà phê đánh giá ngon bậc nhất thế giới.
Thu Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)