Ở tỉnh Đồng Tháp, có một thành phố mang tên rất độc đáo - Sa Đéc. Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao nó lại có một cái tên như vậy không?
Lật giở lịch sử, xưa kia vùng đất Sa Đéc có tên Khmer là Phsar Dek. Cái tên này lại có 2 cách hiểu. Đầu tiên nó là tên một vị nữ thủy thần. Bà là nhân vật mà đồng bào Khmer vô cùng tôn sùng. Nghĩa thứ hai của chữ Phsar Dek là chợ Sắt.
Bên cạnh đó, theo truyền thuyết dân gian, Sa Đéc là tên của một người con gái xinh đẹp nổi tiếng trong vùng này. Vì tình yêu dang dở mà cô quyết định cắt tóc đi tu, sau đó lại trở về lập chợ. Người dân nhớ ơn nàng nên lấy tên Sa Đéc đặt cho chợ, nó tồn tại đến tận nay.
Sa Đéc là một điểm đến hấp dẫn với bề dày lịch sử hơn 300 năm, sánh ngang thời gian tồn tại của Sài Gòn. Đây là khu đô thị có từ thời xa xưa nhất thuộc tỉnh Đồng Tháp, hiện nay có diện tích khoảng 5.911 hecta và dân số vừa phải, chỉ vượt quá 200.000 người.
Trong quá khứ, dưới thời Pháp và Việt Nam Cộng hòa, Sa Đéc từng là trung tâm hành chính của tỉnh cũ cùng tên. Cho đến trước năm 1994, nó còn là tỉnh lỵ của Đồng Tháp. Tuy nhiên, sau đó, theo Nghị định số 36-CP, tỉnh lỵ được chuyển đến Cao Lãnh. Đến năm 2013, Sa Đéc được chính thức nâng cấp thành thành phố thuộc tỉnh Đồng Tháp và được công nhận là đô thị loại II vào năm 2018.
Sa Đéc là thủ phủ hoa.
Với người Việt Nam, Sa Đéc là thủ phủ hoa, nơi có muôn vàn loại hoa đẹp. Trong khi đó, nhiều bạn bè quốc tế lại biết đến thành phố này qua tác phẩm L'Amant (Người tình) của nhà văn Marguerite Duras. Nơi đây được ca ngợi nhờ vẻ đẹp thơ mộng, bình yên nhưng cũng không thiếu màu sắc rực rỡ.
Marguerite Duras đã gắn bó với Sa Đéc trong suốt 18 năm đời mình (1928 – 1946), để lại dấu ấn không thể phai mờ. "L'Amant" sau khi được xuất bản đã tạo được tiếng vang lớn ở Đông Dương và đoạt giải Goncourt - giải thưởng danh giá của Pháp cho tác phẩm văn xuôi nổi bật. Cuốn sách sau đó được chuyển thể thành phim vào năm 1992 và được dịch ra hơn 40 ngôn ngữ, làm rộng lớn thêm tầm ảnh hưởng của nó.
Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)