Công trình huyền thoại này, được xây dựng trong suốt 22 năm (1946-1968), trải dài 250km, đã trở thành một địa danh nổi tiếng toàn cầu, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm và là nguồn cảm hứng bất tận cho văn học, nghệ thuật và điện ảnh. Gần đây, địa đạo Củ Chi tiếp tục được tái hiện một cách chân thực và đầy cảm xúc qua bộ phim "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, đang gây sốt tại các phòng vé trên toàn quốc, khẳng định sức sống mãnh liệt của di sản này trong tâm trí người Việt.
Địa đạo Củ Chi - "Thành phố dưới lòng đất" của Việt Nam
Địa đạo Củ Chi khởi nguồn từ những đoạn hầm đơn giản ở hai xã Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An. Ban đầu, chúng được sử dụng để cất giấu tài liệu, vũ khí và làm nơi ẩn náu cho cán bộ hoạt động bí mật trong vùng địch hậu. Nhận thấy hiệu quả của phương thức chiến đấu du kích, người dân Củ Chi đã từng bước mở rộng hệ thống địa đạo ra nhiều xã khác.
Trong giai đoạn 1961-1965, khi chiến tranh du kích phát triển mạnh mẽ, địa đạo Củ Chi trở thành một công cụ quan trọng để gây tổn thất lớn cho quân địch, góp phần phá vỡ chiến lược "chiến tranh đặc biệt" của Mỹ. Sáu xã phía Bắc huyện Củ Chi đã hoàn thiện tuyến địa đạo "xương sống", từ đó phát triển các nhánh phụ kết nối thành một mạng lưới liên hoàn, chằng chịt dưới lòng đất.
Hàng vạn người dân và lực lượng vũ trang huyện Củ Chi đã miệt mài xây dựng hệ thống địa đạo trong suốt 22 năm, chủ yếu bằng những công cụ thô sơ như cuốc, xẻng. Họ đã đổ mồ hôi, thậm chí cả máu, để tạo nên một công trình kiên cố, vững chắc, đóng vai trò quan trọng trong nhiều trận đánh lớn như Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 và đại thắng mùa Xuân 1975.
Với tổng chiều dài khoảng 250 km, hệ thống địa đạo Củ Chi đan xen như mạng nhện trong lòng đất, với ba tầng hầm chính. Tầng một, cách mặt đất 3 mét, dành cho lực lượng chiến đấu. Tầng hai, sâu khoảng 6 mét, là nơi nghỉ ngơi cho thương binh, người già và trẻ em. Tầng ba, ở độ sâu từ 8-10 mét, là nơi trú ẩn an toàn nhất. Các đường hầm ngoằn ngoèo nối liền với nhau, từ trục chính "xương sống" lan tỏa ra nhiều nhánh lớn nhỏ, có nhánh đổ ra sông Sài Gòn, giúp lực lượng du kích rút lui khi cần, sang căn cứ Bến Cát (tỉnh Bình Dương).
Dọc theo hệ thống địa đạo là những lỗ thông hơi được ngụy trang khéo léo như tổ mối, cùng với hầm chông, ụ pháo giúp du kích chĩa súng lên mặt đất. Bên trong địa đạo được bố trí đầy đủ chức năng của một căn cứ kháng chiến, từ nơi cứu thương, bếp Hoàng Cầm giấu khói, khu chế tạo vũ khí cho đến phòng họp bí mật.
Nhờ hệ thống hầm ngầm kiên cố này, quân và dân Củ Chi đã chiến đấu bền bỉ và lập nên những chiến công oanh liệt. Với những giá trị lịch sử to lớn được hun đúc từ máu và mồ hôi của biết bao người, khu căn cứ địa đạo Củ Chi đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa quốc gia.
Ngày nay, địa đạo Củ Chi là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Nơi đây không chỉ là biểu tượng truyền thống của các thế hệ Việt Nam mà còn là minh chứng sinh động cho nghị lực của con người trong chiến tranh. Đầu năm 2025, nền tảng du lịch trực tuyến TripZilla đã công bố danh sách 10 "Điểm du lịch gợi nhớ đau thương trên thế giới", trong đó địa đạo Củ Chi là đại diện duy nhất của Việt Nam góp mặt. Điều này cho thấy tầm quan trọng của di tích trong việc truyền tải những bài học lịch sử và những giá trị nhân văn sâu sắc.
Trước đó vào năm 2024, TripAdvisor đã công bố danh sách 25 điểm du lịch được yêu thích nhất châu Á dựa trên bình chọn của du khách từ khắp nơi trên thế giới. Điều đáng tự hào là địa đạo Củ Chi của Việt Nam cũng vinh dự góp mặt trong danh sách danh giá này. Được biết, danh hiệu Best of the Best của Travellers' Choice Awards do Tripadvisor trao tặng là sự tôn vinh cao quý nhất dành cho các điểm đến xuất sắc trong lĩnh vực du lịch. Giải thưởng này được trao cho những điểm đến nhận được số lượng lớn các đánh giá và ý kiến vượt trội từ cộng đồng người đọc Tripadvisor trong suốt khoảng thời gian 12 tháng.
Hiện nay, hệ thống địa đạo được bảo tồn tại hai điểm chính là địa đạo Bến Dược (căn cứ Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định) và địa đạo Bến Đình (căn cứ Huyện ủy Củ Chi). Cả hai đều đã được công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa quốc gia, khẳng định giá trị lịch sử và văn hóa to lớn của địa đạo Củ Chi.
Theo kế hoạch, đến năm 2027, TP. HCM dự kiến sẽ hoàn thiện hồ sơ và phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tham mưu Thủ tướng Chính phủ quyết định việc đề nghị UNESCO xem xét đưa địa đạo Củ Chi vào danh mục Di sản thế giới.
Tú Anh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)