Dọn dẹp bàn thờ và ý nghĩa tâm linh
Dọn dẹp bàn thờ, hay còn gọi là "tính sái bàn thờ", là nghi thức dọn dẹp, lau chùi sạch sẽ không gian thờ cúng. Không chỉ đơn thuần là làm sạch bụi bẩn, việc này còn mang ý nghĩa loại bỏ những điều không may mắn của năm cũ, đồng thời thể hiện lòng tôn kính, sự chu đáo của con cháu đối với tổ tiên và thần linh. Bên cạnh việc lau dọn bàn thờ, việc rút tỉa chân hương cũng quan trọng không kém, giúp không gian thờ tự trở nên gọn gàng, thông thoáng, tạo cảm giác thanh tịnh và trang nghiêm.
3 ngày đại lộc rất thích hợp dọn dẹp bàn thờ, tỉa chân hương
Thông thường, việc dọn dẹp bàn thờ được thực hiện trước mỗi lần thắp hương vào các ngày rằm, mùng 1, giỗ chạp hay lễ Tết. Tuy nhiên, vào dịp cuối năm, công việc này được chú trọng hơn cả, đặc biệt là phần chân hương sẽ được rút bớt đi.
Chọn ngày lành để thực hiện nghi lễ
Theo phong tục, việc dọn dẹp bàn thờ và rút tỉa chân hương có thể được thực hiện trước hoặc sau ngày ông Công ông Táo (23 tháng Chạp). Để công việc được thuận lợi và mang lại nhiều may mắn, các gia chủ nên lựa chọn những ngày tốt trong tháng Chạp để thực hiện.
Trong tháng Chạp năm ẤT Tỵ, các gia chủ có thể tham khảo những ngày đẹp sau đây:
- Ngày 23 tháng Chạp (tức 22/01/2025 dương lịch): Đây là ngày tiễn ông Công ông Táo về trời. Sau khi tiễn ông Táo, gia chủ có thể tiến hành dọn dẹp bàn thờ, rút tỉa chân hương để bày tỏ lòng thành kính với thần linh và tổ tiên.
- Ngày 25 tháng Chạp (tức 24/01/2025 dương lịch): Đây cũng là một ngày tốt để thực hiện nghi lễ rút tỉa chân hương, giúp không gian thờ cúng thêm thanh tịnh.
- Ngày 27 tháng Chạp (tức 26/01/2025 dương lịch): Ngày này được xem là ngày tốt để tẩy uế, lau dọn bàn thờ, giúp gia chủ đón nhận nhiều niềm vui, thuận lợi và tài lộc trong năm mới.
Hướng dẫn dọn dẹp bàn thờ và rút tỉa chân hương
Để việc dọn dẹp bàn thờ và rút tỉa chân hương diễn ra thuận lợi, gia chủ cần chuẩn bị kỹ lưỡng:
- Dụng cụ: Chuẩn bị khay sạch để đựng vật phẩm thờ cúng, chậu sạch, khăn sạch chuyên dụng để lau bàn thờ. Nước lau bàn thờ nên dùng nước ấm hoặc nước ngũ vị.
- Tiến hành: Trước khi bắt đầu, gia chủ nên thắp hương xin phép thần linh, gia tiên. Khi hương tàn khoảng 2/3, bắt đầu dọn dẹp.
- Rút tỉa chân hương: Cẩn thận giữ bát hương, nhẹ nhàng rút từng chân hương, chỉ để lại 3-5 chân hương. Nếu tro quá đầy, dùng thìa xúc bớt.
- Lau dọn: Dùng khăn ẩm lau sạch các vật phẩm thờ cúng, sau đó lau khô. Dùng khăn sạch lau bàn thờ, lau lại bằng khăn khô.
- Sắp xếp lại: Đặt các vật phẩm về vị trí cũ. Có thể thêm lễ vật nhỏ như bánh kẹo, hoa quả và thắp hương xin phép an vị.
- Xử lý chân hương: Chân hương, vàng mã của năm cũ đem đi hóa.
Việc dọn dẹp bàn thờ và rút tỉa chân hương không chỉ là một nghi lễ truyền thống mà còn thể hiện nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt. Đây là cách để chúng ta bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên và thần linh, đồng thời cầu mong một năm mới an khang, thịnh vượng. Chọn được ngày lành, thực hiện đúng cách, gia chủ sẽ đón Tết Ất Tỵ với nhiều niềm vui và may mắn.
* Thông tin mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm.
Thu Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)