Tiết Thanh Minh 2024 vào ngày nào?
Tiết Thanh Minh có nghĩa là khoảng thời gian khí trời trong sáng và thanh khiết. Nó thường rơi vào khoảng thời gian sau Lập Xuân 45 ngày, hoặc sau Đông Chí 105 ngày, và ngày đầu tiên của tiết khí cọi là Tết Thanh Minh.
Năm 2024, ngày lễ Tết Thanh Minh bắt đầu từ ngày 4-5/4 (sau khi kết thúc tiết xuân phân) và kết thúc vào khoảng 20-21/4 dương lịch (khi bắt đầu Tiết Cốc Vũ). Vào ngày lễ này con cháu cùng nhau kéo về thăm mộ của tổ tiên, cùng nhau dọn dẹp quét rửa mộ phần và bày mâm cúng cho tổ tiên mong tổ tiên phù hộ cho con cháu luôn khỏe mạnh bình an.
Nguồn gốc
Tết Thanh Minh có bắt nguồn từ Trung Quốc cổ đại. Theo sử sách, vào đời Xuân Thu, có vua Tấn Văn Công của nước Tấn, gặp nạn phải bỏ quê hương đi lưu vong. Lúc ấy, có một vị hiền sĩ tên Giới Tử Thôi luôn giúp vua vượt qua khó khăn. Lúc hết lương thực, ông đã tự mình cắt thịt ở đùi nấu cho vua ăn, vua biết sự tình rất biết ơn ông. Giới Tử Thôi phò tá vua 19 năm, trải qua biết bao hoạn nạn. Nhưng sau này, khi vua giành lại được quyền lực của mình, ông phong thưởng hậu hĩnh cho người đã có công nhưng lại quên mất Tử Thôi đã giúp mình. Tử Thôi cũng không oán giận gì và sau đó cùng mẹ ở ẩn ở núi Điền Sơn.
Sau này, khi vua nhớ đến ông, có ý phong thưởng nhưng ông đã từ chối. Để Tử Thôi ra ngoài, vua đã hạ lệnh đốt rừng nhưng ông và mẹ không ra và chết cháy. Vua cảm thấy thương xót nên đã lập miếu thờ. Từ đó, ngày Tết Thanh Minh cũng xuất hiện. Và đặc biệt trong nhân gian, mọi người kiêng dùng lửa ngày 3/3 - 5/3 âm lịch, ăn thức ăn lạnh. Cũng chính về thế, mà trong thời gian 3 ngày đó còn được gọi là Tết Hàn Thực.
Ngày tết này được du nhập vào Việt Nam từ thời Lý nhưng đã thay đổi ý nghĩa. Bên cạnh đó nó còn gắn liền với tục tảo mộ. Vào ngày này, tất cả mọi người dù đi đâu cũng cố gắng trở về nhà tụ tập bên mâm cơm gia đình và cùng người thân đi tảo mộ.
Ý nghĩa
Đối với người Việt Nam, Tết Thanh Minh là dịp để con cháu hướng về cội nguồn tổ tiên. Dù đi xa làm ăn thì vào ngày này gia đình cùng tụ họp đi tảo mộ sau đó về nhà quây quần bên mâm cơm gia đình. Những ngôi mộ sạch sẽ tươm tất như thay con cháu thể hiện lòng thành kính của mình đối với tổ tiên.
Trong dịp Tết Thanh Minh các khu nghĩa trang thường trở nên đông đúc tấp nập thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” nét văn hóa đẹp của người dân Việt Nam. Dạy con cháu nên biết yêu thương hiếu thảo trân trọng ba mẹ ông bà khi còn sống chứ không phải chờ đến khi họ mất mới tỏ lòng thành kính của mình.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng, Trưởng khoa Văn hóa Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, người dân đi tảo mộ gia tiên và làm lễ cúng gia tiên sau tảo mộ nhằm tri ân, tưởng nhớ người thân đã mất, đồng thời, tỏ lòng thành kính, tôn trọng và biết ơn tổ tiên.
Bên cạnh đó, mọi người còn quét dọn cho những mồ mả vô chủ, không có người thân tới chăm nom, thể hiện được sự nhân văn, đạo lý tương thân tương ái, giúp đỡ lần nhau.
* Thông tin chỉ mang tính tham khảo
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)