Năm nay, Tết Thanh Minh rơi vào 5/4 (tức 15/2 âm lịch). Đây là ngày đầu tiên của Tiết Thanh Minh và Tiết Thanh minh sẽ kết thúc vào ngày 19/4 dương lịch.
Vào dịp này, người dân thường làm mâm cúng Tết Thanh Minh dâng lên bàn thờ gia tiên và đi tảo mộ. Bởi vậy, ngày này thường có 2 phần mâm cúng cần chuẩn bị.
Lễ cúng khi tảo mộ
Khi đi tảo mộ trong tiết Thanh Minh, việc chuẩn bị những vật phẩm cúng lễ sao cho đầy đủ là rất quan trọng. Các vật phẩm dâng hương có thể là lễ chay hoặc lễ mặn (các gia đình thờ Phật thì chỉ dâng lễ chay).
Các lễ vật gồm: Hương, đèn, chè, quả, rượu, nước trong, trầu cau và tiền vàng.
Mâm cỗ chay gồm: Xôi chè, oản chuối, bánh trái, chai nước, gạo muối, bỏng, bơ, chén mật ong.
Mâm cỗ mặn ngoài những thứ trên có thêm rượu thịt, chân giò, gà luộc hoặc khoanh giò.
Nếu có nhiều bát hương thì bát nào cũng phải thắp hương, còn lễ vật đặt trên bàn có thể chung.
Khi đi tảo mộ, công việc chính là sửa sang các ngôi mộ cho sạch sẽ, đắp lại nấm mồ cho đầy đặn, rẫy hết cỏ dại và những cây hoang mọc trùm lên mộ, sau đó mới đặt lễ vật cúng Tết Thanh Minh.
Cúng xong, đợi hương cháy khoảng 2/3 thì lễ tạ, hóa vàng và xin lộc về nhà để làm lễ gia thần và gia tiên ở nhà. Bài cúng nếu được viết ra giấy thì đọc xong cũng đem hóa.
Ngoài ra cũng cần cắm những ngôi mộ gần cạnh đó mỗi mộ một nén hương để tỏ lòng kính trọng và chia sẻ sự thành kính với những ngôi mộ không được chăm sóc cẩn thận hay vô chủ, không có người viếng thăm.
Mâm cúng Tết Thanh Minh tại mộ sẽ chia làm 2 mâm lễ nhỏ:
(Ảnh minh họa)
Một mâm dâng thỉnh Thổ thần toàn khu vực nghĩa trang.
Một mâm dâng cúng riêng cho phần mộ người thân đã khuất. Khi thỉnh lễ, gia chủ sẽ dâng hương nơi bàn thờ Thổ thần toàn khu vực nghĩa trang trước, sau đó mới đến phần cúng cho phần mộ người thân.
Bên cạnh đó, khi cúng Tết Thanh Minh ngoài mộ cũng cần cắm một nén hương cho những ngôi mộ gần cạnh đó để tỏ lòng kính trọng và chia sẻ sự thành kính với những ngôi mộ không được chăm sóc cẩn thận hay vô chủ, không có người viếng thăm.
Lễ cúng Tết Thanh Minh tại nhà
(Ảnh minh họa)
Trước tiên, gia chủ nên dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, lau sạch bụi trên bàn thờ gia tiên.
Phần lễ vật cúng Tết Thanh Minh tại nhà không cần quá cầu kỳ. Thông thường, mâm cúng Tết Thanh Minh tại nhà thường có một số món ăn như: xôi, gà luộc, canh măng chân giò, các món xào… Bên cạnh đó, mâm cúng Tết Thanh Minh còn cần thêm trái cây, hoa tươi, trầu cau, vàng mã… Nếu không muốn cúng lễ mặn, mọi người có thể làm mâm cúng chay.
Với những gia đình không nấu cỗ cúng Tết Thanh Minh, gia chủ có thể thắp hương với trái cây tươi, trà, một ít bánh, kẹo để tỏ lòng tưởng nhớ, biết ơn với tổ tiên.
(Ảnh minh họa)
Khi bày lễ vật cúng lên bàn thờ, gia chủ phải mặc quần áo chỉnh tề, sạch sẽ, tạo không khí trang nghiêm để tỏ lòng tôn kính, sau đó lên hương, vái lạy tổ tiên và đọc văn khấn Tết Thanh Minh tại nhà. Khi một tuần hương cháy hết thì gia đình có thể hóa vàng và xin thụ hưởng lộc.
* Thông tin mang tính chất tham khảo
Tường San (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)