Tết Hàn thực 2024
Tết Hàn thực 2024 diễn ra vào ngày 3/3 âm lịch hàng năm. Năm nay, lễ Hàn thực rơi vào thứ Năm, ngày 11/04/2024 dương lịch.
Tết Hàn thực có nguồn gốc từ Trung Quốc theo một câu chuyện ly kỳ được truyền tụng qua nhiều đời về hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi.
Tại Việt Nam, Tết hàn thực đã được hợp nhất với Tết bánh trôi, bánh chay và khi du nhập vào Việt Nam. Tết tháng 3 tại Việt Nam, thể hiện rõ nét đặc trưng văn hóa, lối sống riêng của người Việt.
Tết hàn thực của người Việt mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tổ tiên, ghi nhớ công ơn của những người đã khuất. Đây được xem là một ngày lễ mang nhiều ý nghĩa văn hóa, lịch sử và đạo đức sâu sắc. Là một nét đẹp văn hóa truyền thống cần được gìn giữ và phát huy trong đời sống xã hội hiện đại.
(Ảnh minh họa)
Tết Hàn thực cúng gì?
Vào ngày Tết Hàn thực 3/3 âm lịch hàng năm mỗi gia đình thường chuẩn bị những mâm lễ để cúng gia tiên, lễ Phật với các món chính gồm: Bánh trôi, bánh chay, trầu cau, nhang, hoa tươi và trái cây. Dân gian quan niệm số lẻ sẽ đem lại may mắn vậy nên lượng bánh trôi, bánh chay được cúng thường là 3 hoặc 5 bát bánh.
Bên cạnh đó, bánh trôi, bánh chay là món ăn đặc trưng của người Việt Nam ta vào mỗi dịp Tết Hàn thực, cũng từ đó bánh trôi còn được biết đến với cái tên "bánh Hàn thực".
(Ảnh minh họa)
Bánh trôi, bánh chay từ lâu đã được sử dụng phổ biến tại Việt Nam. Hình ảnh bánh trôi nước từ lâu đã đi sâu vào nét truyền thống dân tộc qua thơ ca. Hơn nữa, nguyên liệu để làm ra bánh trôi, bánh chay đều là từ bột gạo nếp thơm, thể hiện rõ nhất văn hóa lúa nước từ xa xưa của dân tộc.
Ngoài ra, hình ảnh những chiếc bánh trôi, bánh chay tròn vo, trắng bóc, xếp đầy cạnh nhau trên đĩa còn mang ý nghĩa tưởng nhớ tới sự tích "mẹ Âu Cơ cùng bọc trăm trứng".
Bánh chay có vỏ trắng mang tính dương, còn phần nhân đậu xanh bên trong màu vàng, tươi sáng mang tính âm, âm dương giao hòa. Vì thế làm bánh trôi, bánh chay trong ngày Tết Hàn thực còn với nguyện vọng mùa hè không còn oi bức, thời tiết thuận hòa.
Văn khấn Tết Hàn thực 2024
(Ảnh minh họa)
Con lạy chín phương trời, mười phương Phật, chư Phật mười phương. Con kính lạy Hoàng thiên hậu thổ, chư vị tôn thần. Con kính lạy ngài bản cảnh thành hoàng, ngài bản xứ thổ địa, ngài bản gia táo quân cùng chư vị tôn thần.
Con kính lạy cao tằng tổ khảo, cao tằng tổ tỷ, thúc bá, đệ huynh, cô di, tỷ muội họ nội họ ngoại.
Tín chủ chúng con là… Ngụ tại…
Hôm nay là ngày… (đọc ngày theo âm lịch) gặp tiết Hàn thực, tín chủ chúng con cảm nghĩ thâm ân trời đất, chư vị tôn thần, nhớ đức cù lao tiên tổ, thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, đốt nén tâm hương, dâng lên trước án.
Chúng con kính mời ngài bản cảnh thành hoàng chư vị đại vương, ngài bản xứ thần linh thổ địa, ngài bản gia táo quân, ngũ phương, long mạch, tài thần giáng lâm trước án chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các cụ tổ khảo, tổ tỷ, chư vị hương linh gia tiên nội ngoại họ… (họ của gia chủ) cúi xin thương xót cho con cháu giáng về chứng giám tâm thành thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời các vị vong linh các vị tiền chủ, hậu chủ ngụ trong nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai âm hưởng, phù hộ cho toàn gia chúng con luôn luôn mạnh khỏe, mọi sự bình an, vạn sự tốt lành, gia đình hòa thuận, trên bảo dưới nghe.
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần).
(Ảnh minh họa)
* Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)