Sinh sống ở Lào Cai, chị Nguyễn Thương Huyền đã tận dụng khu vực sân thượng để trồng các loại cây và rau để phục vụ thực phẩm sạch cho cả nhà. Bên cạnh trồng các loại rau, củ như xà lách, súp lơ, xu hào thì vào mùa thu này, chị Thương Huyền còn thu hoạch được rất nhiều cà chua.
Mới đây, mẹ đảm này đã chia sẻ những kinh nghiệm trồng cà chua bạch tuộc của mình: "Thời điểm cuối tháng 8 đầu tháng 9 dương lịch là vừa tầm đẹp để gieo trồng cà chua bạch tuộc. Để giúp các bạn trồng lần đầu hiểu sâu về nó mình chia sẻ vài dòng để các bạn tham khảo nhé.
Xác định trước khi trồng cà chua bạch tuộc:
- Vị trí trồng cà chua phải đủ nắng.
- Chậu trồng đủ rộng, đất đủ dinh dưỡng.
- Vườn có chỗ làm giàn cho cà chua leo.
- Yếu tố không thể thiếu là bạn phải thật sự tỉ mỉ, chăm chỉ và kiên trì vì cà chua bạch tuộc là cây vô hạn nó phân tán rất mạnh nên phải thường xuyên cắt tỉa. Để có giàn cà chua bạch tuộc đẹp bạn phải tạo tán, buộc phân nhánh chia đều theo giàn, đây là vấn đề mất nhiều thời gian công sức nhất. Giàn này mình trồng 3 cây mà chỉ quên đi vài ngày không buộc tỉa thôi là ngọn nhánh nó mắc túm tụm vào nhau rất khó gỡ, gỡ không khéo là gãy nhánh rụng quả.
Chậu và đất trồng
- Để cà chua bạch tuộc phát huy hết được tiềm năng giống bạn nên trồng cây vào chậu to rộng, diện tích phù hợp là 1 cây trồng chậu 1m2.
- Đất trồng ủ vôi 5-7 ngày sau đó căn cứ vào tình trạng đất trộn thêm giá thể làm tơi xốp đất (tro; trấu; xơ dừa…). Thêm phân chuồng hoai mục: (Phân trùn quế, phân dơi, phân gà viên bột đậu tương, cám gạo, vỏ trứng, vỏ chuối...). Nếu có đầu cá lòng cá vùi thêm dưới đáy chậu càng tốt, kinh nghiệm cho thấy nên vùi cá cách xa vị trí định trồng cây con ít nhất 20-30cm. Ví dụ: Chậu trồng cây chia thành 4 góc, 1 góc trồng cây, 3 góc còn lại ta để chôn vùi cá và sau này để vùi thêm rác bếp, khi vùi nhớ rắc thêm nem nấm và rỉ mật cho cá nhanh phân huỷ. Khi cây lớn rễ khoẻ đúng tầm ra hoa đậu quả thì cá vùi đáy chậu đã phân huỷ thành phân bón sẽ là nguồn đạm tuyệt vời giúp cây mướt cành, xanh lá, to quả.
Lưu ý: Cà chua nói chung và cà chua bạch tuộc nói riêng không nên trồng lại đất đã trồng dưa, ớt, cà, khoai tây, bầu, bí … vì mấy loại cây này hay ăn cùng một loại chất và nhiễm cùng 1 loại bệnh. Cà chua nên trồng sau cây họ đậu đỗ và cây họ cải. Nếu muốn tận dụng giàn cũ mà đất chưa kịp trồng luân canh thì bạn chịu khó đổi đất từ chậu trồng khác để trồng cà chua bạch tuộc cho an toàn.
Làm giàn cho cà chua bạch tuộc
- Trước khi làm giàn cho cà chua bạch tuộc bạn nên quan sát các giàn cà chua bạch tuộc của mọi người để chọn ra mẫu giàn phù hợp với vườn nhà bạn. Nghiên cứu kỹ không gian vườn nhà bạn để sao cho giàn cà chua hưởng được nhiều nắng nhất, khoe được quả nhất, không cản nắng làm cớm cây trồng khác và đặc biệt phải có chỗ để đứng dưới giàn chụp hình sống ảo.
- Cà chua bạch tuộc có thể là giàn thẳng, giàn chéo, giàn nghiêng, giàn vòm … Nên làm giàn trước khi trồng tránh trường hợp cây trồng mới bén rễ lại cắm que làm giàn ảnh hưởng bộ rễ của cây.
Chăm sóc
- Khi cây còn nhỏ không cần chăm sóc cầu kỳ chỉ cần tưới đủ ẩm là được, không tưới đẫm quá và không tưới lên lá.
- Khi cây lớn bắt đầu rau hoa đậu và nuôi quả cây cần một lượng dinh dưỡng lớn và thường xuyên liên tục. Nếu đất trồng đủ tốt và được vùi phân rác liên tục thì tuần 1-2 lần nên tưới bổ sung thêm nước rác ủ có thành phần canxi và kali cao như: dịch chuối, vỏ trứng ngâm, dịch nha đam… Khi tưới hoà thêm tí trichodema và rỉ mật. Nếu đất nghèo dinh dưỡng pha sẵn thùng to dưỡng chất từ nước rác ủ hoặc mua họ ủ sẵn như phân cá, dịch chuối, rong biển… Pha loãng tưới hàng ngày đến khi trược khi thu hoạch quả tầm 20 ngày thì dừng tưới nước rác ủ chuyển tưới nước thường.
- Trong quá trình trồng cây nếu có nguồn rác nhà bếp và nguồn lá rau già sạch bệnh nên vùi quanh chậu thường xuyên quanh chậu cũng rất tốt (nếu chậu trồng đủ rộng). Hoặc ủ khô 1 thùng riêng, khi rễ cà chua ăn lên bề mặt thì dùng rác đã ủ hoai đó bón thêm phủ lên mặt đất trồng sẽ rất tuyệt vời.
- Để có giàn cà chua bạch tuộc khoẻ mạnh phải chăm tỉa bỏ bớt nhánh phụ, tỉa bỏ lá già lá bệnh. Pha phun tinh dầu Neem phun định kỳ tuần 1 lần để phòng côn trùng hút chích & bệnh nấm lá cho cây.
Tạo tán
- Nếu muốn cà chua bạch tuộc ra quả ở giàn đứng thì chỉ nuôi 1 thân chính, vặt bỏ hết mầm nhánh, giữ nguyên chùm hoa đầu tiên đến chùm thứ 9 thì bấm ngọn. Để quả kiểu này cũng rất đẹp lại nhanh được thu hoạch nhưng cây sẽ nhanh tàn.
- Nếu để cà chua bạch tuộc ra quả ở giàn nghiêng, giàn ngang hoặc giàn vòm giai đoạn cây lớn chưa chạm giàn ta ngắt bỏ hết hoa và mầm nhánh ở thâm chính, chỉ giữ lại 1-2 nhánh phụ to khoẻ cùng thân chính phân tán trên giàn. Khi cây đã bò lên giàn mới để hoa đậu quả, nhánh nào đã đậu 1-2 chùm quả thì bấm bỏ luôn đầu nhánh cho gọn giàn và quả nhanh lớn.
Thu hoạch
Cà chua bạch tuộc là dòng cà chua trang trí, quả đỏ chưa phải là chín, thu hoạch sớm quả sẽ cứng ăn không ngon, quả già quá mới thu hoạch sẽ nứt quả, quả chuyển thẫm mầu nắn mềm tay mới thu hoạch là ngon nhất nhé.
Lời khuyên: Xác định vườn bạn đủ nắng, chậu trồng đủ rộng, có chỗ cho cà chua leo giàn, bạn có đủ thời gian, sự chăm chỉ, tỉ mỉ, đủ độ kiên trì thì hãy lựa chọn trồng giống cà chua bạch tuộc vì nó là dòng cà chua trang trí hợp để trồng làm cảnh còn trồng để ăn thì hơi sốt ruột vì quả chín ở trên giàn rất rất lâu mới được thu hoạch (đỏ chưa phải là chín). Nó cần bạn phải quan tâm thường xuyên để phòng bệnh, tưới bổ sung dưỡng chất, tỉa lá, tạo tán... Còn ngược lại khuyên bạn nên trồng những giống cà chua thông thường cũng rất ngon mà không đòi hỏi chăm sóc cầu kỳ như: cà chua beff, cà chua múi trứng, cà chua Nova...".
Ngoài cà chua, mẹ đảm này còn trồng nhiều loại rau, củ, quả khác.
Thùy Dương (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)