Tất niên là gì?
Tất niên (hay còn gọi là tiệc tất niên, lễ tất niên...) là một nghi thức quan trọng để kết thúc một năm mới và chuẩn bị bước sang năm mới. Theo nghĩa Hán Việt, từ "tất" có nghĩa là hết, hoàn thành, xong; còn "niên" có nghĩa là năm.
Lễ cúng tất niên là phong tục lâu đời, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của người Việt. Đây là dịp để gia đình bày tỏ lòng thành kính, báo cáo với tổ tiên những việc đã làm được trong năm qua, những điều chưa trọn vẹn, và cầu mong một năm mới tràn đầy thuận lợi.
Ngoài ý nghĩa tâm linh, lễ cúng tất niên còn là cơ hội để các thành viên trong gia đình: Đoàn tụ, quây quần bên nhau sau một năm bận rộn. Tạm gác lại những áp lực, cùng nhau tận hưởng không khí ấm áp, sum vầy, chia sẻ niềm vui và thành quả sau một năm lao động vất vả.
Năm 2025 cúng tất niên ngày, giờ nào đẹp?
Lễ cúng tất niên theo phong tục truyền thống thường được tổ chức vào buổi trưa hoặc chiều tối ngày cuối cùng của năm theo lịch âm. Đối với năm Ất Tỵ 2025, do tháng Chạp là tháng thiếu, nên không có ngày 30 Tết. Vì vậy, các gia đình sẽ tiến hành lễ cúng tất niên và đón Giao thừa vào ngày 29 tháng Chạp (tức ngày 28/01/2025 dương lịch).
Tuy nhiên, để thuận tiện, nhiều gia đình có thể tổ chức lễ cúng tất niên sớm hơn vào các ngày 26, 27 hoặc 28 tháng Chạp. Thời gian đẹp nhất để cúng thường rơi vào khung giờ từ 11h – 13h (giờ Ngọ) hoặc từ 17h – 19h (giờ Dậu). Đây là những giờ hoàng đạo, mang ý nghĩa tốt lành cho năm mới.
Việc chọn giờ hoàng đạo để thực hiện lễ cúng tất niên không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn thể hiện sự tôn kính đối với tổ tiên và thần linh. Dưới đây là các khung giờ đẹp để cúng tất niên trong ngày 26 và 29 Tết năm Ất Tỵ 2025:
• Ngày 26 tháng Chạp (25/01/2025 Dương Lịch), ngày Giáp Ngọ, tháng Đinh Sửu, năm Giáp Thìn có 6 khung giờ hoàng đạo: Tý (23h - 1h), Sửu (1h - 3h), Mão (5h - 7h), Ngọ (11h - 13h), Thân (15h - 17h), Dậu (17h - 19h).
• Ngày 29 tháng Chạp (28/01/2025 Dương Lịch) ngày Đinh Dậu, tháng Đinh Sửu, năm Giáp Thìn có 6 khung giờ hoàng đạo: Tý (23h - 1h), Dần (3h - 5h), Mão (5h - 7h), Ngọ (11h - 13h), Mùi (13h - 15h), Dậu (17h - 19h).
Dù cúng tất niên vào ngày nào, ý nghĩa quan trọng nhất vẫn là bày tỏ lòng thành kính, mời ông Táo và tổ tiên về đoàn tụ cùng gia đình. Theo truyền thống, lễ cúng tất niên vào ngày cuối cùng của năm âm lịch (29 tháng Chạp) vẫn được xem là đúng phong tục và mang nhiều giá trị tâm linh nhất.
Lưu ý khi cúng tất niên
Cũng như các lễ cúng khác trong năm, cúng tất niên dù không cần phải quá trang trọng nhưng gia chủ cần phải lưu ý một số điều.
• Dù tất niên không cần phải quá cầu kỳ, trang trọng nhưng cũng không vì thế mà chuẩn bị sơ sài. Tùy vào điều kiện gia đình mà gia chủ có thể chuẩn bị mâm cúng ít hay nhiều nhưng ít nhất cũng phải có những món ăn truyền thống ngày Tết và được chuẩn bị, bày biện một cách chu đáo, sạch sẽ.
• Để lễ cúng tất niên thành kính trang nghiêm, trước khi làm lễ cúng này, các gia đình cần dọn dẹp bàn thờ, nhà cửa cho thật sạch sẽ.
• Tất niên là bữa cơm sum vầy của gia đình vì vậy cần phải có đầy đủ các thành viên trong nhà để thể hiện sự sum họp, ấm cúng.
• Tất niên chính là thời điểm các gia đình sum vầy, đoàn tụ sau một năm làm việc vất vả, nhất là những gia đình có con cái đi làm ăn xa nhà. Vì vậy, không nên cãi nhau, chửi mắng mà thay vào đó nên nói những chuyện vui và những điều tốt lành.
(*)Thông tin trong bài mang tính tham khảo.
Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)